.

"Hiến pháp năm 1992 cần được sửa đổi đồng bộ"

.

Ngày 8-2, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Thường trực Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã họp phiên toàn thể thứ ba, nghe và đóng góp ý kiến vào báo cáo một số vấn đề về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thời gian qua, Ban biên tập đã khẩn trương hoàn thành dự thảo báo cáo việc thực thi Hiến pháp 1992 và những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Trong tháng 3, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ báo cáo Quốc hội.

Đánh giá của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho thấy, Hiến pháp được ban hành trong bối cảnh cả nước đang trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đề ra. Hiến pháp năm 1992 đã tạo lập nền tảng chính trị pháp lý cho việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử đạt được trong hơn 20 năm qua không tách rời với đóng góp quan trọng của quá trình thực thi Hiến pháp. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm đổi mới, Hiến pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình đổi mới phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thường trực Ban biên tập nhìn nhận Hiến pháp năm 1992 cần được sửa đổi đồng bộ cả những nội dung về cơ sở hạ tầng kinh tế và những nội dung liên quan đến thiết chế nhà nước, thiết chế của kiến trúc thượng tầng, những nội dung về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ cũng như quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân để phù hợp với chủ trương của Đảng là tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhiệm vụ của một bản Hiến pháp trong tình hình mới là tạo cơ sở pháp lý ổn định, vững chắc, tạo động lực mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992 đã được Ban Biên tập đưa ra, trong đó nhấn mạnh sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

Sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực mới cho sự phát triển đất nước; thể chế hóa đầy đủ hơn tư tưởng về dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, chủ quyền nhân dân. Sửa đổi để khẳng định và bảo đảm thực hiện đại đoàn kết dân tộc; tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; phát huy tối đa nhân tố con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phòng ngừa xung đột xã hội.

Đồng thời, sửa đổi Hiến pháp cũng nhằm mục tiêu tiếp tục xây và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tiếp tục cải cách và hoàn thiện thể chế; bảo đảm hội nhập quốc tế đầy đủ và vững chắc; bảo đảm hiệu lực, tính ổn định và phát triển của Hiến pháp.

TTXVN

;
.
.
.
.
.