.

Phía sau tiếng chổi

.

Trong màn đêm của thời khắc giao thừa, những nữ công nhân vẫn lặn lội bên thùng rác đầy ứ, lòng vẫn ấp ôm những dự định trong năm mới.

Chị Phan Thị Lan mong dành đủ tiền để về thăm quê.
Chị Phan Thị Lan mong dành đủ tiền để về thăm quê.

Việc đón giao thừa ở ngoài đường không còn là chuyện xa lạ với những công nhân vệ sinh môi trường để mang lại những con đường sạch đẹp, tươi tắn cho thành phố Đà Nẵng trong ngày đầu tiên của năm mới.   

Mong đừng đau ốm

Cơn mưa đã dứt hơn một tiếng đồng hồ. Ở khu vực chợ Sáng (phía sau chợ Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), những đống rác đã hiện hữu trên những hục nước đọng. Chiếc chổi cán dài sẫm màu như bất lực. Bà Mười (50 tuổi) ở Xí nghiệp Môi trường Liên Chiểu phải cúi xuống gần đống rác, dùng chổi xương nhỏ dồn rác rồi lấy tấm xốp trắng đẩy mạnh vào trong cái xúc rác. Mỗi lần bà đứng dậy đổ rác vào thùng, nước lại chảy ròng ròng từng giọt đen ngầu, mùi hôi thối xộc lên. Chỉ tay vào hố nước bên đường, bà Mười nói: “Nước ở chợ ni hôi kinh khủng, trời mưa thì phải hốt cả nước lẫn rác nên nặng lắm!”.

Chị Hồ Thị Phương (39 tuổi), phụ trách quét dọn khu vực mặt tiền của chợ Hòa Khánh và bãi nhậu trước chợ, do yêu cầu nơi này phải sạch sẽ trước 6 giờ, nên chị phải lọ mọ kéo thùng đi quét từ 2 giờ. Nhanh tay lùa nốt đống rác, chị Phương thở dài: “Dù trời mưa gió, sấm chớp nhưng vẫn phải đi sớm. Quen rồi, em ạ!”. Quét rác trong những ngày thường đã vất vả. Vào những ngày Tết, lượng rác lại nhiều gấp đôi. Phải gì sát tay xuống để hốt những đống rác dính chặt dưới đường, nên việc bị mảnh chai, đinh, tôn... đâm vào tay chân là chuyện bình thường đối với những người quét rác. Khi được hỏi về những dự định trong năm mới, chị Phương cho biết: “Chỉ mong đừng đau ốm vì nếu nghỉ làm thì các con sẽ không có bữa cơm ngon và chẳng thể đến trường”.

Mong một lần về thăm quê

Hơn 8 năm gắn bó với cái chổi và con đường cũng là ngần ấy năm chị Phan Thị Lan (43 tuổi) đón giao thừa ngoài đường. Phụ trách đoạn đường từ Phan Đăng Lưu đến Nguyễn Hữu Thọ, năm nào chị và các đồng nghiệp cũng bắt đầu công việc lúc 5 giờ ngày 30 Tết; ăn trưa, tối tại chỗ và kết thúc vào lúc 5 - 6 giờ mồng 1. Chị Lan chia sẻ: “Chị em công nhân vệ sinh đã quen đón giao thừa ngoài đường. Cũng hồi hộp lúc giao thời, cùng nhau chia sẻ vài ổ bánh mì nguội, khe khẽ hát đôi câu và ngắm pháo hoa”. Tuy lạc quan là thế, nhưng chị và nhiều đồng nghiệp khác cũng tủi thân lắm khi không được ở bên người thân trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. “Con gái nhỏ ở nhà lúc nào cũng hỏi mẹ đâu rồi, sao không về với con”, chị Lan ngậm ngùi. Hiện chồng chị Lan đang bị bệnh nặng nên mọi trang trải của cuộc sống đều dựa vào suất lương hơn 2 triệu đồng/tháng của chị. Đã rất lâu chị Lan không về quê, chỉ mong năm nay dành dụm đủ tiền để có thể cùng chồng, con ra Bắc.

Những cánh én lại về, mang theo bao mong ước giản dị của những con người đã góp phần làm đẹp cho mùa xuân.

Bài và ảnh: KIM NGÂN - HOÀI TIẾN

;
.
.
.
.
.