.

Quân dân chung sức xây dựng đảo

.

Một ngày cuối năm Tân Mão, chúng tôi theo đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân ra thăm và chúc Tết quân, dân huyện đảo Cồn Cỏ. Thiếu tá Nguyễn Duy Dũng, Trạm trưởng Trạm ra đa 540, thuộc Tiểu đoàn 351, Vùng 3 Hải quân dẫn chúng tôi cuốc bộ lên khu A của trạm trên đỉnh đồi Hà Nội, nơi cao nhất của đảo Cồn Cỏ. Chỉ tay về hướng biển xa, nơi có những con tàu ngư dân neo đậu, anh giải thích: “Bây giờ trông thanh bình là thế, nhưng khí hậu ở đây khắc nghiệt vô cùng. Mùa hè, nắng nóng như đổ lửa, nước khô cạn; mùa mưa, rét thấu xương, gió rít đến ghê người. Khi biển động thì thực phẩm cả tháng trời của quân, dân chủ yếu là cá khô với nước mắm. Gian khổ là thế nhưng nơi đảo nhỏ này, tình cảm quân, dân sâu nặng, thắm thiết...”.

Đảo Cồn Cỏ hôm nay.
Đảo Cồn Cỏ hôm nay.

Dẫu biết rằng không xa như Trường Sa, nhưng cũng biển trời cách mặt. Họ cũng phải nếm trải nhiều gian nan, thử thách. Trong điều kiện độc lập tác chiến, xa sự quản lý của Bộ Tư lệnh Vùng nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đều yên tâm, xác định tốt nhiệm vụ. Đầu tàu phải kể tới Trạm trưởng Nguyễn Duy Dũng, hơn 10 năm trước anh công tác và lấy vợ tại Đà Nẵng, sau đó anh xung phong ra đảo Lý Sơn rồi về với Cồn Cỏ. Ở nhà, cô giáo Nguyễn Thị Giang vợ của Trạm trưởng Nguyễn Duy Dũng vừa bận rộn công việc dạy học, vừa một mình chăm sóc hai con nhỏ. Tuy khó khăn, vất vả nhưng cô giáo Giang luôn động viên chồng yên tâm công tác. Hằng ngày, Trạm trưởng Dũng luôn đôn đốc anh em trực ca, hướng dẫn, nhắc nhở trắc thủ ra-đa không bỏ sót mục tiêu, tranh thủ thời gian ngoài giờ xắn tay cùng bộ đội lo tăng gia, chăn nuôi cải thiện đời sống. Hiện nay, cả trạm nuôi được 14 con heo và hơn 100 con gà, vịt, ngan, ngỗng... Trạm trưởng Dũng cho biết: “Đẩy mạnh tăng gia không chỉ góp thêm vào khẩu phần ăn của bộ đội hằng ngày mà còn tạo môi trường gần gũi với quê nhà. Sau những giờ trực canh căng thẳng, vẳng nghe tiếng gà gáy trưa trên đảo, nỗi nhớ đất liền vơi đi...”.

Cùng trò truyện với anh em trên đảo, chúng tôi hiểu thêm về nhiệm vụ của lính đảo xa. Cuộc sống tuy còn khó khăn, nhưng không vì thế mà họ xao nhãng mọi chế độ, nền nếp sinh hoạt, hoặc xem nhẹ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh huấn luyện theo nội dung, chương trình quy định của trên, Ban Chỉ huy trạm còn chú trọng huấn luyện chuyên sâu một số nội dung như: Phương pháp trắc thủ ra-đa phát hiện mục tiêu trong điều kiện sương mù, giông bão, biển động; phương án chiến đấu bảo vệ đảo trong tình huống đánh địch đổ bộ đường biển, tập kích đường không; biện pháp xử lý khi phát hiện tàu lạ trên biển, người lạ trên bờ; các phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn...

Biết kết hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận và thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là một cách làm hiệu quả của đơn vị. Thượng úy Trần Thọ Tân, Chính trị viên trạm cho biết: “Ngoài nhiệm vụ quan sát, tuần tiễu nắm tình hình trên biển trong phạm vi quy định, bảo vệ vững chắc tình hình an ninh, chính trị trên đảo, các đơn vị còn tạo điều kiện giúp đỡ nhân dân trên đảo xóa đói, giảm nghèo, vận động các hộ gia đình xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ gắn bó, chia sẻ ngọt bùi cùng bà con trên đảo, tình quân dân càng thêm bền chặt. Người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Tình yêu mặn nồng chan chứa ấy nhân lên thành sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, gian khổ, sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc...”.

Chủ tịch UBND huyện đảo Lê Quang Lanh dẫn chúng tôi tham quan các công trình kinh tế trọng điểm. Anh kể: “Cách đây chưa lâu, các hộ gia đình từ trong bờ ra đảo làm ăn còn mang tính thời vụ, làm chỉ đủ ăn. Bây giờ thì các anh thấy đấy, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành nên đời sống khá lên nhiều lần. Cấp trên hỗ trợ nguồn vốn và ngân sách xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, cầu cảng, tôn tạo khu di tích lịch sử. Các đơn vị bộ đội tích cực tuyên truyền, vận động bà con, ủng hộ ngày công lao động, giúp đỡ nhân dân xây dựng hệ thống vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường, phòng tránh mưa to, bão lớn”.

Chia tay đảo nhỏ khi mùa Xuân đang lan tỏa, đàn chim én chao nghiêng khắp cả đảo. Tạm biệt quân, dân huyện đảo trong tiếng sóng, tiếng gió xen lẫn tình đất và lòng người Cồn Cỏ dào dạt, mênh mang...

Bài và ảnh:  PHAN THỊ THANH HƯƠNG

;
.
.
.
.
.