.

Bí thư Hà Nội sẵn sàng được bỏ phiếu tín nhiệm

.

Hà Nội sẽ thí điểm lấy phiếu tín nhiệm cán bộ được bầu trong Đảng, chính quyền ở tất cả các cấp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói ông sẵn sàng để mọi người bỏ phiếu tín nhiệm về năng lực và uy tín công tác của mình.

  Ông Phạm Quang Nghị: Khi chưa có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, việc đánh giá cán bộ rất khó, người bảo tốt, người bảo không... Ảnh: XLinh
Ông Phạm Quang Nghị: Khi chưa có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, việc đánh giá cán bộ rất khó, người bảo tốt, người bảo không... Ảnh: XLinh

Ông Nghị khẳng định trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và 9 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội, sáng nay tại Hà Nội.

"Trước kia chưa có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, việc đánh giá cán bộ rất khó, người bảo tốt, người bảo không. Nhưng giờ nhiều người cùng đánh giá về một người thì sẽ đảm bảo khách quan, dù ai định né tránh không muốn bị đánh giá hoặc không tham gia vào quá trình đánh giá thì cũng đều phải tham gia việc mình đánh giá về người khác và người khác cũng đánh giá về mình. Với cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, nhiều lắm sau hai năm, nếu năng lực anh thấp sẽ thay luôn, thậm chí một năm, tín nhiệm năng lực quá thấp, thì cũng thay" - ông Nghị diễn giải.

Ủng hộ tính ưu việt của cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, ông Nghị cũng cho hay: "Trước kia đánh giá cán bộ sau nhiệm kỳ 5 năm mới đánh giá một lần, nên có chuyện có cán bộ 3 năm đầu thờ ơ chủ quan với công việc, năm cuối cùng lại cố gắng phấn đấu hoặc không lại tranh thủ đi vận động lá phiếu. Mỗi năm lấy tín nhiệm một lần sẽ có tác dụng tích cực trong việc đánh giá và bố trí cán bộ".

Bỏ phiếu tín nhiệm về uy tín, năng lực cán bộ là một trong những nội dung mới của công tác chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 mà Bí thư Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh tại hội nghị.

Ông Nghị cho hay, những đánh giá, nhận xét chung về cán bộ thường chỉ "định tính", còn việc bỏ phiếu tín nhiệm theo một quy trình, thủ tục sẽ "định lượng" rõ ràng hơn về chất lượng năng lực, uy tín của các cán bộ được bầu. Thời gian giới hạn không quá 2 năm sẽ là sức ép và cơ hội cho cả người có năng lực và người không có năng lực. Người không đủ năng lực, uy tín, sau 1 năm lấy phiếu tín nhiệm không thể khắc phục, cải thiện sẽ bị thay thế, mà không cần chờ đợi hết nhiệm kỳ hay độ tuổi công tác như quy định.

Ông cũng bác bỏ cách "suy nghĩ một chiều" từng có trước đây khi tư duy về áp dụng cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm, đó là việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm làm ảnh hưởng đến quá trình công tác của cán bộ, lãnh đạo. Theo ông, phải tư duy rõ ràng rằng ai làm tốt, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ củng cố uy tín, năng lực, ai làm không tốt, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ cho thấy rõ giới hạn khả năng để mỗi cán bộ phải tự điều chỉnh hoặc rút lui nếu không đủ năng lực.

Đối với Hà Nội, Bí thư khẳng định sẽ làm tốt quy trình, thủ tục này và làm ở tất cả các cấp, mở rộng đối tượng tham gia đánh giá tín nhiệm.

Để làm tốt quy trình này, ông Nghị cũng nhấn mạnh một trong những giải pháp cần làm tốt là việc mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thực, thẳng thắn trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình về quá trình công tác theo cương vị công tác.

Theo Vietnamnet

;
.
.
.
.
.