.

Xử lý ăn xin biến tướng, hàng rong

.

(ĐNĐT) – Trong ngày đầu tiên ra quân xử lý tình trạng bán hàng rong, ăn xin biến tướng ở một số tuyến đường cấm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (1-3), các cơ quan chức năng đã tiến hành một cách đồng loạt và quyết liệt.

x
Những đối tượng bán hàng rong, lang thang xin ăn bị cảnh cáo nếu tái phạm sẽ bị lập biên bản, sau đó đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội để xử lý tiếp. Ảnh: Đ.Mạnh

Qua ngày đầu tiên thực hiện chủ trương của thành phố cho thấy, dù phát hiện nhiều người ăn xin biến tướng, nhưng việc xử lý không dễ dàng.

Khó xử lý!

Lúc 8 giờ 30 ngày 1-3, tại chùa Bát Nhã (quận Hải Châu), vừa thấy bóng tổ liên ngành, những người xách bị, ăn mặc rách rưới liền bỏ đi nơi khác. Một thanh niên gầy gò, áo vá vai cầm xấp vé số trên tay phân trần: “Em chỉ bán vé số thôi. Họ cho tiền thì em lấy chứ em đâu có xin”. Một thành viên trong đoàn giảng giải: “Anh nói với các bạn trong xóm bán vé số là không được lấy tiền của khách du lịch thăm chùa nữa. Thành phố của mình giờ đây là thành phố du lịch. Lấy tiền của khách coi sao được! Nếu bắt quả tang, sẽ bị phạt nặng”.

Ngay sau đó, tại chợ Cồn, tổ kiểm tra số 2 cũng đã phát hiện 6 người ăn mặc rách rưới, tay cầm gậy, tay cầm bị. Tuy nhiên, thấy “động”, những người này liền tản ra mỗi người mỗi nơi. Một người bán quán bên đường cho biết: “Những người đó thường ra vào chợ, cứ đi theo các khách Tây hay khách Việt sang trọng để níu áo xin tiền, khiến họ rất khó chịu”.

Khoảng 9 giờ 30, tại chùa Linh Ứng (quận Sơn Trà), khách du lịch thăm chùa khá đông, phần lớn là khách Thái Lan. Tổ kiểm tra số 1 phát hiện 2 cặp thanh niên nam nữ ăn mặc nhếch nhác đeo bám khách để bán hàng rong. Hỏi ra thì biết họ quê ở Quảng Nam, đến Đà Nẵng hơn một năm nay và bán hàng rong để kiếm sống. Ngay cổng trước của chùa cũng phát hiện một phụ nữ với thùng đựng nước uống đang bán dở dang bên cạnh và nằm vạ vật ngủ trên ghế đá, úp chiếc nón lên mặt trông rất phản cảm.

Đến khoảng 15 giờ 30 phút chiều, chúng tôi cùng tổ kiểm tra liên ngành thành phố trở lại khu vực chùa Linh Ứng (quận Sơn Trà) kiểm tra thì bắt gặp hai người đàn ông bán hàng rong (bán bắp luộc) vẫn đậu đỗ bán hàng trước cổng lên chùa. Ngay gần đó có một phụ nữ bán hàng nước uống vẫn quanh quẩn gần đó nên đội kiểm tra đã nhắc nhở, chụp hình và yêu cầu họ phải nhanh chóng thực hiện quy định.

Tại Công viên 29-3 (đường Điện Biên Phủ), tổ kiểm tra số 3 cũng phát hiện một người có dấu hiệu thần kinh không bình thường đang nằm ngủ trên ghế đá. Người này sau đó đã được đưa vào bệnh viện tâm thần...

Kiên quyết xử lý

Theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thành phố Đà Nẵng, tình trạng các đối tượng ăn xin biến tướng, bán hang rong chèo kéo khách du lịch là vấn đề bức xúc không chỉ riêng ở Đà Nẵng mà có thể gặp ở bất cứ nơi nào.

“Tuy nhiên, Đà Nẵng đang hướng tới mục tiêu “5 không, 3 có” (trong đó có mục tiêu “thành phố không có người lang thang xin ăn”) nên việc xử lý vấn nạn này là hết sức cần thiết”, ông Hiệp nói.

“Tình trạng lang thang xin ăn là vấn đề bức xúc mà toàn xã hội phải quan tâm. Nếu chúng ta không quản lý, giáo dục và giải quyết tốt, vấn đề này sẽ ảnh hưởng môi trường và cảnh quan đô thị của thành phố, làm nảy sinh các hiện tượng tiêu cực của xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến sự đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư của Đà Nẵng. Do đó, đợt ra quân cao điểm lần này sẽ tiến hành xử lý thật quyết liệt và điều trị tận gốc", ông Hiệp nói.

Trong thời gian đầu ra quân, lực lượng chức năng sẽ sử dụng biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các đối tượng thực hiện đúng quy định và chụp lại hình ảnh của những người bán hàng rong, xin ăn…

Ông Hiệp cho biết, nếu các đối tượng này bị phát hiện lần sau sẽ buộc phải làm cam kết, sau đó thông báo cho địa phương theo dõi và quản lý. Đối với những người ngoại tỉnh thì buộc họ trở về địa phương nơi cư trú. Còn trường hợp đã bị cảnh cáo mà tái phạm thì sẽ bị lập biên bản, sau đó phân loại và đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội để xử lý tiếp”.

Theo ông Trần Bốn, Tổ trưởng tổ thường trực phối hợp liên ngành thành phố, ngoài các biện pháp trên, các lực lượng chức năng sẽ thành lập đội kiểm tra khắp khu vực trọng điểm, chùa, khu mua sắm, khu du lịch; các chủ cơ sở kinh doanh, chùa, đại diện ban tôn giáo…

“Từ sau đợt cao điểm này, chúng tôi sẽ lập đội kiểm tra tiến hành kiểm tra thường xuyên tất cả các địa bàn trọng điểm trên địa bàn thành phố. Những đối tượng mà có hành vi tổ chức, xúi giục, lôi kéo người khác đi xin ăn hoặc lợi dụng trẻ em, người khuyết tật để làm việc khác với xin ăn (biến tướng xin ăn) thì sẽ phối hợp với cơ quan điều tra xác minh và tùy mức độ để xử lý hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Bốn nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội – Bảo vệ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, Sở LĐTB&XH cho biết, đến cuối giờ chiều ngày 1-3, đội xử lý thông tin người lang thang xin ăn (gồm 3 đội, mỗi đội 4 người) phối hợp lực lượng của UBND các quận kiểm tra và nhắc nhở với các đối tượng ở các khu vực chợ, bến xe, công viên, khu vực trọng điểm, chùa…., phát hiện 2 trường hợp (1 xin ăn, 1 tâm thần) và tiến hành lập hồ sơ chuyển Trung tâm Bảo trợ Xã hội.

Ngoài ra, các đội kiểm tra cũng đã cảnh cáo nhắc nhở 13 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định, sử dụng người khuyết tật để bán hàng, bán kẹo cao su…(ghi tên, chụp ảnh, địa điểm phát hiện) và thông báo về tổ thường trực tổng hợp thông báo các quận huyện phối hợp theo dõi, xử lý.

Đắc Mạnh - Phương Trà

;
.
.
.
.
.