(ĐNĐT) - Coi vi phạm pháp luật về giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng kiến nghị Quốc hội tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông, tịch thu và sung công quỹ xe đua trái phép không phân biệt chủ sở hữu.
Phiên giải trình có sự tham gia của đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Công an và được truyền hình trực tiếp trên VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam - Ảnh: TTO |
Sáng 24-4, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và các giải pháp khắc phục.
Chia lửa cùng Bộ trưởng Thăng có đại diện Bộ Công an và Bộ Tài chính, cùng lãnh đạo ba thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Mỗi năm khoảng 1,2 vạn người chết và 5,4 vạn người bị thương
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong năm 2011 và hai tháng đầu năm 2012, cả nước xảy ra 8,3 triệu trường hợp vi phạm hành chính về giao thông đường bộ đã bị xử lý, thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 2.400 tỷ đồng.
Trong đó, Hà Nội đã xử lý hơn 965.000 trường hợp, TP Hồ Chí Minh xử lý hơn 1,9 triệu trường hợp vi phạm và Đà Nẵng xử lý 102.000 trường hợp.
Tai nạn giao thông và vi phạm hành chính trong giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là các thành phố lớn. Số vụ ùn tắc ở Hà Nội chiếm 22,1% tổng số vụ ùn tắc giao thông trên cả nước, trong khi TP Hồ Chí Minh chiếm 17%.
Các nhóm hành vi vi phạm giao thông đường bộ phổ biến là đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định (21,6%), tốc độ (21,2%), dừng đỗ xe trái quy định (8,9%), không đội mũ bảo hiểm (9,3%), vi phạm quy định về nồng độ cồn, lấn chiếm sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Mặc dù tai nạn giao thông trên cả nước cũng như tại 3 thành phố lớn đã giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ tai nạn giao thông và thiệt hại vẫn ở mức cao.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết năm 2011, tai nạn giao thông đường bộ chiếm 98,2% số vụ, 96% số người chết, 98,8% số người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm trên cả nước.
Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại với 8,3 triệu vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông năm 2011 bởi đây là con số khổng lồ song vẫn chưa phản ánh hết tình hình vi phạm. Nhiều vụ không xử lý, nhiều vụ không được phát hiện. Qua các báo cáo, ông Hiển cũng cho rằng, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông những năm qua quá lớn, không có biểu hiện giảm với số lượng khoảng 12.000 người chết mỗi năm và 54.000 người khác bị thương.
Ông Hiển yêu cầu Bộ trưởng Đinh La Thăng giải trình thêm về trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT.
Chủ phương tiện ôtô phải mở tài khoản để nộp phạt vi phạm
Theo Bộ trưởng GTVT, nguyên nhân chính dẫn đến mức độ vi phạm nêu trên là lỗi chủ quan do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, thể hiện ở phần lớn trường hợp là vi phạm quy tắc giao thông.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền
|
Số lượng phương tiện tăng nhanh quá khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông cũng là một nguyên nhân quan trọng.
Ông Thăng cũng chỉ ra những nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập như chế tài xử phạt thấp, thẩm quyền chồng chéo; phổ biến, giáo dục pháp luật chưa hiệu quả; chậm ứng dụng kỹ thuật công nghệ; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chồng chéo thẩm quyền, đùn đẩy trách nhiệm; vướng mắc trong xử lý phương tiện bị tạm giữ; quy hoạch giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe; công tác đăng kiểm…
Bộ trưởng GTVT đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ lên 200 triệu đồng (gấp 5 lần mức phạt hiện hành), nâng mức tiền xử phạt cho thanh tra viên và chiến sỹ công an nhân dân lên 2 triệu đồng…
"Cần tịch thu, sung công đối với các trường hợp đua xe trái phép mà không phân biệt chủ sở hữu, tạm giữ phương tiện đối với người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện", ông Thăng đề nghị.
Đề xuất của Bộ GTVT được thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, đại diện Bộ Công an, tán thành trong báo cáo bổ sung của Bộ này.
Bộ GTVT cũng kiến nghị quy định chủ xe ô tô phải mở và duy trì tài khoản tại ngân hàng, coi đây là điều kiện bắt buộc để tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cần rút gọn các thủ tục, biểu mẫu xử phạt, ngoài hình thức nộp tiền tại Kho bạc thì có thể nộp phạt qua tài khoản…
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu vấn đề: ngành nào cũng nói tất cả để phục vụ nhân dân, còn dân thì nói tôi trả tiền cho tất cả. Tôi nghĩ phục vụ nhân dân thì biện pháp là làm gì đó để đỡ thu tiền của dân thì tốt, chứ không chỉ có mỗi cách là thu tiền của dân.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cũng bình luận “đất nước đã nghèo nhưng ngành nào cũng đòi tiền”. Đối với xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, ông Tiên cho rằng vẫn có cách ít tiền hơn mà hiệu quả.
“Các giải pháp chúng tôi đưa ra là hết sức đồng bộ chứ không chỉ là thu tiền của dân. Chúng tôi đề xuất căn cứ trên chủ trương của Quốc hội và Chính phủ chứ không phải thích là thu. Thu thế nào đều có tính toán lộ trình, mức thu đảm bảo sức đóng của người dân. Đồng tiền của người dân đóng sẽ được sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí”, ông Thăng giải thích.
Đại biểu Dương Trung Quốc bình luận: trong 1,9 triệu ôtô, chỉ có 600.000 xe “biển trắng”, vậy mà chính sách chỉ hướng vào số xe này. Trong khi đó, xe “biển xanh” được ưu ái. Cứ nhìn trên đường thì thấy xe “biển xanh” rất hiếm khi bị xử phạt.
Bộ trưởng Đinh La Thăng hứa sẽ trao đổi với Bộ Công an để “xử lý rất nghiêm túc, đảm bảo công bằng, không nên để xảy ra tình trạng xe công thì cho qua hoặc xử nhẹ”.
Theo Chinhphu.vn, TTO, VnExpress