(ĐNĐT) - Dinh Độc lập là một trong những điểm tham quan hấp dẫn hàng đầu tại thành phố Hồ Chí Minh, đến được Dinh Độc lập là mơ ước của nhiều du khách, cũng là mơ ước của nhiều người dân Việt Nam, nhất là vào dịp 30-4 hàng năm.
Toàn cảnh Dinh Độc lâp |
Sự hấp dẫn, thu hút du khách đến Dinh độc lập vì chính nơi đây là nơi chứng kiến sự khởi nguồn của mọi quyết định gây ra tội ác của thực dân Pháp, đế quốc Nhật, Mỹ và các thế hệ chính quyền tay sai đối với nhân dân Việt Nam. Đồng thời nơi đây cũng chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn – chính quyền tay sai cuối cùng của thực dân, đế quốc.
Lịch sử Dinh Độc lập và các cuộc chuyển giao quyền lực
Ngay sau khi hoàn thành việc xâm lược nước ta, năm 1868, chính quyền Pháp bắt đầu cho thiết kế và xây dựng tại trung tâm thành phố Sài Gòn một Dinh thự làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ, với tên gọi là Dinh Norodom. Công trình được khởi công ngày 23-2-1868 và hoàn tất vào năm 1871 do viên Thống đốc Pháp tại miền Nam Việt Nam là Lagradìere đặt viên đá đầu tiên. Từ 1871 đến 1887, Dinh Độc lập là Dinh Thống đốc Nam kỳ. Từ 1887-1945, nhiều đời toàn quyền Pháp đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc trong suốt thời kỳ xâm lược Ðông Dương.
Tháng 9-1945, Nhật đảo chính Pháp, Dinh Độc lập trở thành nơi làm việc của Chính quyền Nhật ở Việt Nam. Sau khi Nhật thất bại ở chiến tranh thế giới thứ 2, Pháp trở lại chiếm Nam Bộ và Dinh trở thành nơi làm việc của bộ máy chiến tranh của thực dân Pháp ở Việt Nam. Sau năm 1954, Pháp thất bại ở Đông Dương, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam – Bắc, Dinh Độc lập trở thành nơi làm việc của chính quyền quốc gia Việt Nam do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng. Sau đó ít lâu, chính quyền Việt Nam cộng hòa thay thế chính quyền quốc gia Việt Nam, do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống.
Đến năm 1962, do chính sách hà khắc, độc tài của chế độ Ngô Đình Diệm, tại đây đã có một biến cố quan trọng là ngày 27-2-1962, phe đảo chính đã ném bom làm hỏng phần cánh trái của Dinh. Chính vì thế Ngô Đình Diệm đã xây lại dinh mới ngay trên nền đất cũ do một Kiến trúc sư người Việt là Ngô Việt Thụ thiết kế, và tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, Ngô Đình Diệm và chính quyền chưa được ở và làm việc ngày nào tại đây vì Dinh chưa xây xong thì cả gia đình họ Ngô đã bị giết. Người đứng ra khánh thành Dinh là Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 31-10-1966.
Từ đó, Dinh Ðộc lập là cơ quan đầu não của Chính quyền Sài Gòn, là nơi chứng kiến sự can thiệp quân sự gây chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam của Đế quốc Mỹ, là nơi ra đời nhiều chính sách phản lại nhân dân của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.
Ngày 30-4 lịch sử
Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 8-4-1975 anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung đã lái chiếc máy bay F5E ném hai quả bom trúng Dinh Độc lập làm hoang mang cả bộ máy chính quyền Sài Gòn. Và điều gì phải đến đã đến.
Chiếc máy bay do Nguyễn Thành Trung lái ném bom trúng Dinh Độc lập ngày 8-4-1975 |
Chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập ngày 30-4-1975 |
Vào lúc 10h45 ngày 30-4-1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân giải phóng dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Ðộc lập, tiếp đó xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh. 11h30 cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận - Ðại đội trưởng chỉ huy xe tăng 843 đã hạ lá cờ 3 sọc xuống, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên. Cờ phấp phới tung bay trên nóc Dinh, kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam. Cũng chính vào giờ phút này, Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng.
Cảm xúc
Tận mắt chứng kiến gần 200 kỷ vật được trưng bày tại Dinh Độc lập, mỗi kỷ vật là một vật chứng, một câu truyện, một chiến công trong suốt chiều dài 30 năm kháng chiến gian khổ và anh dũng của dân tộc ta để giành độc lập dân tộc mới thấy hết được cái giá mà nhân dân ta phải hy sinh cho đất nước thống nhất.
Có những kỷ vật nếu không để ý sẽ khó phát hiện, nhưng nó lại là kỷ vật cực kỳ quan trọng, cả thế giới đã biết đến như: chiếc bút mà bà Nguyễn Thị Bình đại diện cho Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký vào Hiệp định hòa bình tại Pari (Pháp) năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đến những vết bom do Nguyễn Thành Trung ném xuống Dinh vào ngày 8-4-1975 và những hầm ngầm kiên cố được xây dựng ngay trong Dinh để bộ máy chính quyền Sài Gòn ẩn nấp khi có chiến tranh…
Nhìn bề ngoài, Dinh Độc lập cũng không khác mấy những tòa nhà khác, nhưng bên trong thực chất là một hệ thống phòng thủ quân sự phục vụ chiến tranh cho cơ quan đầu não của Chính quyền Sài Gòn. Hệ thống này được che đậy bởi bởi những phòng ốc sang trọng với những thiết bị hiện đại nhất thời bấy giờ. Đó là các phòng làm việc đầy đủ tiện nghi để tiếp khách quốc tế, phòng họp nội các, phòng trình quốc thư của các sứ quán nước ngoài, phòng cho phu nhân của tổng thống tiếp khách…
Chiếc xe Jeep chở Dương Văn Minh từ Dinh đến Đài phát thanh Sài gòn đọc lời đấu hàng |
Xuống dưới các tầng hầm là hệ thống phòng thủ kiên cố, bom, đạn không thể xuyên thủng, đó là các phòng họp kín, phòng trang bị hệ thống đài phát thanh (phòng khi đài phát thanh của thành phố bị chiếm) đến phòng ngủ của tổng thống khi có chiến tranh… Kiên cố là vậy, nhưng cuối cùng thì chính quyền tay sai với sự hậu thuẫn của đế quốc bên ngoài cũng đã bị sụp đổ.
Những chiến xe tăng 390, xe tăng 384 của quân giải phóng đã húc đỗ trụ và cổng Dinh Độc lập vào ngày lịch sử 30-4, cũng như chiếc máy bay F5E mang mã số 01638 do Nguyễn Thành Trung lái đã thả bom xuống Dinh vào ngày 8-4-1975 và hàng chục hiện vật là những dụng cụ, thiết bị để chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được trưng bày tại đây cũng là những minh chứng hùng hồn cho những chiến công vẻ vang của nhân dân ta để đánh đuổi ngoại xâm và lũ bán nước, cũng như những nhân chứng, bằng chứng làm rõ thêm sự thất bại của chủ nhân các thời đại của Dinh Độc lập dưới sự bảo trợ của các thế lực xâm lược nước ta trong hơn 1 thế kỷ.
Dinh Độc lập xứng đáng là một di tích lịch sử quan trọng nhất, một điểm tham quan khám phá của du khách khi đến thành phố Hồ Chí Minh, nhất là vào dịp kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bài và ảnh: Đức Thịnh