(ĐNĐT) - Ngày 27-4, dưới sự chủ trì của hai Phó Chủ tịch Quốc hội (khóa XIII) Uông Chu Lưu và Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị trực tuyến với Đoàn đại biểu QH của 63 tỉnh, thành phố để lấy ý kiến đối với 2 đề án: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH và Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Tại điểm cầu Đà Nẵng có các đại biểu QH: Huỳnh Nghĩa và Nguyễn Thị Kim Thúy.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội nghị trực tuyến |
Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH tập trung vào các nội dung: Định hướng và các giải pháp đổi mới của QH đối với các hoạt động: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, tổ chức kỳ họp QH, tổ chức phiên họp UBTVQH, hoạt động tiếp xúc cử tri và các công tác bảo đảm.
Tại hội nghị trực tuyến, có 12 ý kiến của ĐBQH các địa phương và các Ủy ban của QH đã góp ý, thảo luận đề án. Các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo đề án, tán thành việc tổ chức hội nghị trực tuyến để thảo luận, góp ý vào các đề án nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí.
Một số đại biểu đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2013 Luật sửa đổi, bổ sung hoạt động của Đoàn ĐBQH; tăng ĐBQH chuyên trách và kiện toàn đội ngũ chuyên viên giúp việc ĐBQH, Đoàn ĐBQH, thu hút người có chuyên môn giỏi và có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ này; đề nghị quy định cụ thể nhiệm vụ của trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và ĐBQH; giảm thời gian họp QH và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của ĐBQH.
Góp ý về đổi mới công tác xây dựng pháp luật của QH, đại biểu QH Huỳnh Nghĩa đề nghị cần có khoảng mở trong chương trình của mỗi kỳ họp để QH có thể điều chỉnh sửa đổi, bổ sung ngay các luật, pháp lệnh đã có điểm bất cập không phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đại biểu Huỳnh Nghĩa nêu ví dụ những bất cập của Luật Cư trú trong thực tiễn quản lý nhập cư ở Đà Nẵng mà báo chí đề cập vừa qua.
Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư trình bày đề cập các vấn đề “nóng” đang được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm như: Thực trạng cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay và nguyên nhân; mục tiêu, quan điểm chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nội dung, định hướng và điều kiện tiền đề của tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Theo đó, mô hình tăng trưởng mà chúng ta hướng đến là mô hình mà trong đó tăng trưởng sẽ dựa chủ yếu vào hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và năng suất lao động; người dân có việc làm ổn định, chất lượng hơn với thu nhập ngày càng được cải thiện phù hợp với tốc độ tăng năng suất lao động; tạo ra nguồn lực cần thiết để mang lại khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục một cách đại trà và bền vững.
Việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế báo gồm: Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh; tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế theo hướng cơ cấu lại các ngành và dịch vụ phù hợp, tăng nhanh giá trị nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Các giải pháp chủ yếu được đưa ra là: Nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với quy hoạch phát triển; tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng; đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý và sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước; đổi mới sâu sắc, toàn diện cơ cấu và cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh; đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư; thực hiện các chương trình quốc gia về phát triển, nâng cao chất lượng các DN dân doanh; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài; đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung chuyên canh, áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại, tăng năng suất lao động và chất lượng sống ở khu vực nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ…
Tin và ảnh: S.Trung