.

Hiệu quả bước đầu từ các Tổ tự quản

.

Qua hơn 1 năm hoạt động, các Tổ tự quản công nhân, lao động (CNLĐ) khu nhà trọ (gọi tắt là Tổ tự quản) trên địa bàn thành phố đã góp phần tích cực vào việc giải quyết các nhu cầu vật chất, tinh thần của CNLĐ và tạo sự chuyển biến tích cực về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại khu dân cư.
 

Một buổi tuyên truyền phòng chống tội phạm tại Tổ tự quản CNLĐ phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.
Một buổi tuyên truyền phòng chống tội phạm tại Tổ tự quản CNLĐ phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

Tính đến thời điểm hiện tại, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đã thành lập được 5 Tổ tự quản với gần 1.000 CNLĐ bao gồm: Tổ tự quản số 48, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà; Tổ tự quản Đa Phước 2, Quang Thành 3B và 2 Tổ tự quản số 1, số 2 Quang Thành 4A, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Thông qua các Tổ tự quản, CĐ các cấp đã tích cực phối hợp với Ban điều hành, công an và các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật lao động, phòng chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác; tổ chức phát động các phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm; kiểm tra nhắc nhở CNLĐ đăng ký tạm trú, tạm vắng đầy đủ... Hiệu quả nhận thấy là qua hơn một năm, đã có hơn 1.000 lượt CNLĐ được tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nhờ đó tình hình trật tự trong khu vực được bảo đảm, CNLĐ yên tâm làm việc. Anh Hồ Phi Bình, công nhân quê ở Hà Tĩnh, tạm trú tại Tổ tự quản Quang Thành 4A, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu chia sẻ: “Từ khi thành lập Tổ tự quản, Ban điều hành và địa phương đã dành nhiều sự quan tâm, nhắc nhở và tạo điều kiện để chúng tôi tham gia các hoạt động với địa phương nên cuộc sống cũng được cải thiện và yên tâm hơn”.

Sống tại các Tổ tự quản, CNLĐ còn được tiếp cận những ưu đãi về giá nhà, giá điện, nước sinh hoạt… Cụ thể, đã có hơn 100 hộ CNLĐ thuộc quận Sơn Trà và Liên Chiểu được đăng ký sử dụng điện theo giá ưu đãi của Nhà nước như đối với hộ nghèo (930 đồng/kWh), một số hộ sống tại Tổ tự quản số 2, Quang Thành 4A còn được hỗ trợ lắp đặt dây điện và đồng hồ điện mới để tiết kiệm điện. Ngoài ra, các Tổ tự quản còn được CĐ các cấp hỗ trợ thêm ti-vi, báo, tạp chí, tài liệu tuyên truyền, tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên trong các dịp lễ, Tết... Các hoạt động này đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa CNLĐ tại các Tổ tự quản với tổ chức CĐ.

Ngoài những lợi ích đó, việc thành lập các Tổ tự quản bước đầu tạo dựng mối quan hệ gắn bó giữa CNLĐ với chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị tại cơ sở. Qua việc tham gia các hoạt động của địa phương, CNLĐ có dịp trao đổi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình với chính quyền địa phương, từ đó những vấn đề bức xúc được kịp thời giải quyết, hạn chế các vụ gây mất trật tự an toàn tại khu dân cư. Theo ông Nguyễn Ngọc Thảo, Bí thư Chi bộ khu dân cư Quang Thành 4A cho biết: “Việc vận động CNLĐ các Tổ tự quản tham gia các hoạt động của địa phương đã góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hội, đoàn thể tại khu dân cư. Các vấn đề về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cải thiện hơn trước rất nhiều”.

Với những lợi ích mà Tổ tự quản mang lại có thể khẳng định, việc thành lập Tổ tự quản là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển các Tổ tự quản còn gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động về số lượng CNLĐ tại các khu nhà trọ; kinh phí hỗ trợ cho Ban điều hành Tổ tự quản không có đã hạn chế việc tổ chức các hoạt động cho công nhân; các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn nhiều bất cập khi áp dụng với CNLĐ thuê trọ… Trong thời gian tới, để nhân rộng mô hình này, rất cần sự quan tâm chỉ đạo thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, đoàn thể các cấp và tổ chức CĐ, nhất là tại những địa bàn có đông CNLĐ  như Liên Chiểu, Sơn Trà và Cẩm Lệ. Các bên cần chủ động phối hợp để xây dựng quy chế thành lập và tổ chức hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của Tổ tự quản.

Hy vọng rằng trong thời gian tới, Tổ tự quản sẽ thực sự trở thành mái ấm của CNLĐ.

PHAN SÁNG

;
.
.
.
.
.