.

Hòa Phú Nam - chan chứa tình thương

.

Giữa tháng 3 vừa qua, các mô hình giúp đỡ người nghèo ở khu vực Hòa Phú Nam, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đã được nhiều nước châu Á biết đến, khi người khởi xướng và xây dựng mô hình là bà Trịnh Thị Hồng, Trưởng ban công tác Mặt trận Hòa Phú Nam là một trong ba đại biểu của Việt Nam được mời tham dự “Diễn đàn người nghèo đô thị khu vực châu Á”, tại Philippines. Sau đó ít ngày, một số đoàn các nước trong khu vực đã tìm đến Hòa Phú Nam tham quan, học hỏi. Và rồi, khi tận mắt chứng kiến những việc làm đầy tính nhân văn của bà con khu dân cư này, đoàn nào cũng ghi nhận mô hình giúp đỡ người nghèo ở đây quả rất độc đáo và thiết thực.

213
Một buổi dọn vệ sinh đường phố của Đội thiếu niên bảo vệ môi trường.

Năm 2009, mô hình “Tổ góp vốn tình thương” ở Hòa Phú Nam do bà Hồng khởi xướng ra đời từ việc tự mình và vận động nhiều người góp tiền hỗ trợ chị Nguyễn Thị Vân có chồng tàn tật, một mình nuôi 3 con nhỏ có thêm điều kiện đón Tết Nguyên đán. Việc làm ý nghĩa này có sức lan tỏa mạnh, ai nấy tích cực tham gia, để rồi chẳng bao lâu đã trở thành phong trào của mỗi nhà. Vài ba năm nay, mọi người thường xuyên tự nguyện góp một ít tiền dư dả của mình cho các hộ nghèo mượn phát triển kinh tế. Năm đầu tiên triển khai mô hình (2009), vốn góp 30 triệu đồng đã giúp 15 phụ nữ nghèo. Bước sang năm thứ 2, “Tổ góp vốn tình thương” thu nhận 441 triệu đồng và 120 chị em có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ. Năm 2011, vốn góp đã tăng lên 667 triệu đồng, 235 phụ nữ nghèo được mượn phát triển kinh tế. Với số tiền 10 triệu đồng/gia đình, mượn không lãi trong thời gian 12 tháng, không ít gia đình đã tạo ra việc làm mới, thu nhập khá ổn định.

Xây dựng Quỹ 2 T (Tiết kiệm và Tận dụng) là mô hình thứ 2 nhằm giúp người nghèo, ra đời ở Hòa Phú Nam. Người khởi xướng và duy trì vẫn là bà Trịnh Thị Hồng. Từ việc vận động mọi người tận dụng những phế thải trong đời sống hằng ngày như tấm bìa các-tông, vỏ chai lọ, đồ gia dụng bị hỏng bán góp tiền hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn đã tạo thành phong trào được nhiều gia đình hưởng ứng. Qua đó, không chỉ có kinh phí giúp các hộ nghèo mà còn tạo nếp sống tiết kiệm trong nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường. Từ sự góp nhặt này, năm 2010, bà con khu vực Hòa Phú Nam đã có 24 triệu đồng mua quà phát thưởng cho 184 học sinh có thành tích trong học tập, trao học bổng cho 2 học sinh hoàn cảnh khó khăn; tặng 12 suất quà cho các đối tượng chính sách và hỗ trợ 5 phụ nữ nghèo mỗi người 2 triệu đồng để giải quyết khó khăn trong đời sống. Năm 2011, số tiền từ mô hình này là 42 triệu đồng và 252 học sinh các cấp đã được nhận thưởng, 30 hộ nghèo được nhận quà và 12 người nghèo được tặng thẻ BHYT…

Ngoài ra, mô hình  “Bé nuôi heo đất” và “Đội thiếu niên bảo vệ môi trường” thu hút nhiều học sinh tham gia, tạo dấu ấn đậm nét trong đời sống ở khu dân cư. Năm 2011, với  việc “mổ” 42 con heo đất, thu 17 triệu đồng đã giúp nhiều học sinh nghèo vượt qua hoàn cảnh. Hình ảnh hàng chục đội viên thiếu niên, nhi đồng mỗi chiều tự giác cùng nhau quét dọn đường phố đã gây ngạc nhiên cho các đoàn khách quốc tế đến tham quan. Việc làm của các em không chỉ đem lại môi trường luôn xanh-sạch-đẹp mà còn có tác dụng rất lớn trong việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người dân.  

 Bài và ảnh:  NGUYỄN CẦU
 

;
.
.
.
.
.