Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhiều phong trào được triển khai từ sự đóng góp tích cực của người dân. Trong đó, có những trưởng thôn gương mẫu, tích cực cùng với nhân dân xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Năng, Trưởng thôn Quá Giáng 1, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang là một điển hình.
Theo quy hoạch, các thôn Quá Giáng 1, 2 thuộc vùng trồng hoa chuyên canh của xã Hòa Phước với diện tích 6ha và hướng tới mở rộng trên 16ha. Để triển khai vùng hoa chuyên canh, chủ trương của xã sẽ giải tỏa một số diện tích trồng hoa màu không hiệu quả của người dân và giải phóng mặt bằng làm đường bê-tông vào vùng hoa. Trong quá trình thực hiện, sẽ phải thu chặt các loại cây trồng và vật kiến trúc trên đất. Điều này đã vấp phải trở ngại từ một số người dân khi quyền lợi cá nhân có thiệt thòi. Với tiến độ thời gian giải phóng mặt bằng gấp rút trong tháng 4-2012 mà nhiều người dân vẫn chưa ủng hộ, ông Năng phải họp thôn phổ biến chủ trương, phân tích cái lợi trước mắt và lâu dài khi hình thành vùng chuyên canh hoa. Thế nhưng không phải nhà nào cũng “xuôi tai” vì nhiều người cho rằng đã bỏ vốn liếng cho cây lâu năm, giờ thu hoạch không thu lại được bao nhiêu. Những tình hình đó, ông Năng phải bỏ thời gian đi đến từng nhà nói chuyện cụ thể, vận động vài chục hộ chịu hiến tài sản cây cối trên đất. Trước sự kiên trì vận động của ông, hầu hết các hộ đã đồng ý không đòi hỏi gì để phục vụ cho phát triển kinh tế của thôn.
Ông Năng nói: “Đây là chủ trương lớn của xã, sau này thành phố cũng sẽ hỗ trợ cho vùng trồng hoa, giúp bà con thoát nghèo, nên tôi đã ra sức vận động bà con đồng tình ủng hộ. Thực lòng mà nói, cây cối bà con trồng bấy lâu nay chưa thu được kết quả, nay phải chặt đi ai lại không xót mồ hôi, công sức của mình bỏ ra. Ngay như tôi đây cũng có bốn, năm trăm mét vuông trồng bạch đàn nằm trên con đường vào vùng chuyên canh hoa, nhưng cũng phải phá đi 150m2. Trên tinh thần mình làm trưởng thôn, phải gương mẫu thì người khác mới nghe chứ”. Không chỉ vận động suông, ông Năng cùng với bà con chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt. Ông Năng học được ở Bác Hồ là phải gần mọi người, hiểu mọi người thì mới thành công khi vận động mọi người cùng tham gia hiến tài sản.
Bản thân ông Năng cũng giản dị, gần gũi khi tiếp xúc. Ông tâm sự: “Lúc đầu đi vận động bà con, thấy mọi người phản ứng, tôi cũng không vì thế mà nản lòng, bởi nghĩ rằng tư tưởng của họ cũng giống như tôi thôi, đều là những người nông dân chân lấm tay bùn, đổ mồ hôi, công sức mới có được những thứ mình cần. Nhưng nếu ai cũng vì quyền lợi riêng mà quên quyền lợi chung của xã hội thì thôn, xóm khi nào mới phát triển tốt đẹp”.
DUYÊN ANH