.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Những công trình của người cao tuổi

.

Ở phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu), việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được những người cao tuổi thể hiện bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.

Cựu chiến binh Phạm Minh Nhật (phải) tặng tập sách “Tìm hiểu pháp luật về biên giới quốc gia” cho phường Hòa Thuận Tây.
Cựu chiến binh Phạm Minh Nhật (phải) tặng tập sách “Tìm hiểu pháp luật về biên giới quốc gia” cho phường Hòa Thuận Tây.

Cụ Nguyễn Dần (99 tuổi) cho biết: “Với những câu nói của Bác Hồ, tôi càng suy ngẫm càng thấy rất hay, rất sâu sắc, mà cũng rất giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Ngày nào tôi cũng cất công ghi chép lại những câu nói bất hủ ấy, rồi tự tay đóng lại thành tập sách để ủng hộ Đảng bộ phường làm tài liệu học tập, tuyên truyền”. Nói rồi cụ Dần trao tập sách dày cho đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Đảng bộ phường Hòa Thuận Tây. Sau đó, cụ còn tặng tiếp 2 cuốn nữa, cũng khá dày, một cuốn nhan đề “Bàn góp sự đời”, một cuốn là “Đọc và suy ngẫm”, đều do cụ sưu tầm, biên soạn từ các tư liệu, sách, báo và tặng lãnh đạo phường nhằm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ.

Cụ Huỳnh Phương Bá và nhóm các cụ say mê chữ Nho trong phường đã lập ra CLB Hán Nôm để dạy chữ Nho miễn phí cho bất kỳ ai muốn học. Kết hợp học với hành, các cụ tổ chức đến các đình, chùa, lăng mộ cổ để dịch các trướng, liễn, văn bia, hoành phi, câu đối… Đặc biệt, các cụ đã viết lại “Chiếu dời đô” bằng nguyên văn tiếng Hán cùng với bản dịch tiếng Việt và ảnh Vua Lý Thái Tổ để trò chuyện, giới thiệu với thanh, thiếu niên ở các địa phương, cơ quan, trường học, đồng thời trao tặng cả ba tác phẩm cho Trường tiểu học Lý Công Uẩn (nằm trên địa bàn phường). Cụ Bá hào hứng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dân ta phải biết Sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, nên chúng tôi muốn giáo dục con cháu hiểu thật kỹ việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long của ông cha ta cách đây hơn 1.000 năm, cũng như am hiểu tường tận về nội dung, ý nghĩa của bản “Thiên đô chiếu” lịch sử. Những việc làm đó phù hợp với tuổi già và chúng tôi coi đó cũng là cách làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”.

Còn Đại tá Phạm Minh Nhật (tổ 41) làm theo Bác bằng một công trình hết sức công phu. Người cựu chiến binh này đã đầu tư công sức, trí tuệ, làm bài tham gia cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về biên giới quốc gia” dày 486 trang (khổ giấy A4), có 172 bức ảnh minh họa, trong đó có hàng trăm tư liệu, bút tích, mộc bản, ấn bản, chứng cứ của cả trong nước lẫn thế giới để khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Tiền in ấn bài thi hơn 1 triệu đồng. Vị cựu Chính ủy Trường Quân sự Quân khu 5 trích lương hưu in thành 2 cuốn, một cuốn gửi Ban tổ chức cuộc thi, một cuốn tặng phường để làm tư liệu. “Tôi làm tập sách này không chỉ để thi mà còn muốn đóng góp cho địa phương một công trình phong phú, quy mô về chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, coi đây là tâm huyết của mình đối với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đại tá Phạm Minh Nhật chia sẻ.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

 

;
.
.
.
.
.