.

Nỗ lực phòng cháy rừng

.

Rừng ở Đà Nẵng không nhiều, chỉ hơn 50 nghìn ha, nhưng hầu như năm nào cũng xảy ra cháy. Năm 2011, xảy ra 20 vụ, thiêu rụi 102ha rừng các loại, trong đó ở huyện Hòa Vang 13 vụ, thiệt hại 74ha; quận Liên Chiểu 4 vụ, thiệt hại 25,7ha; quận Sơn Trà 3 vụ, thiệt hại 2ha. Đây cũng là năm có cháy lớn.

Đó là vụ cháy tại tiểu khu 4a, Rừng đặc dụng Nam Hải Vân vào chiều 6-8 thiêu rụi hơn 20ha và vụ cháy tại thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn (Hòa Vang) vào trưa 7-8,  thiệt hại hơn 10ha. Để dập tắt các đám cháy trên, Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và PCCCR các cấp đã huy động 2.295 lượt người, 20 lượt xe cứu hỏa cùng nhiều trang thiết bị chuyên dụng. Tuy vậy, công tác chữa cháy vẫn bộc lộ khá nhiều hạn chế, nhất là phương châm “4 tại chỗ” chưa được phát huy.

Cảnh sát PCCC tham gia chữa cháy rừng tại Hòa Sơn (Hòa Vang).
Cảnh sát PCCC tham gia chữa cháy rừng tại Hòa Sơn (Hòa Vang).

Không mấy khó khăn để xác định nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng. Đó là sự bất cẩn của người dân khi sử dụng lửa trên vùng rừng, hay nói đúng hơn là ý thức bảo vệ rừng của không ít người còn rất hạn chế. Họ đốt lửa xử lý thực bì trồng rừng mà không lập đường ranh cản lửa, vô tư đốt củi lấy than, đốt ong, đốt vàng mã, đun nấu tại rừng mà không hề nghĩ đến hậu quả. Đến khi gây cháy rừng, họ “cao chạy xa bay”, trốn tránh trách nhiệm. Cơ quan chức năng đã xử lý 3 vụ đều trên địa bàn huyện Hòa Vang, phạt 3,5 triệu đồng, cảnh cáo 1 đối tượng, đưa ra kiểm điểm trước dân 1 đối tượng. Các vụ cháy khác không xác định rõ đối tượng gây cháy. 

Thời tiết đã chuyển sang mùa khô hanh. Cháy rừng đã là nỗi lo thường trực của Chi cục Kiểm lâm và chính quyền các địa phương có rừng. Trao đổi về công tác PCCCR năm 2012, ông Trần Duy Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Hiện chi cục đã ký cam kết phối hợp PCCCR với Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát PCCC thành phố. Đến nay, tất cả các xã, phường, quận, huyện có rừng đều đã triển khai xong phương án PCCCR. Các tổ, đội phản ứng nhanh về PCCCR tại các địa phương đã được thành lập. Các đơn vị trực thuộc triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn những hành vi gây tổn hại đến rừng, nhất là việc sử dụng lửa trên vùng rừng, trong đó đặc biệt chú trọng đến khâu giáo dục, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư và khách du lịch; vào thời điểm nắng nóng tổ chức canh trực 24/24 giờ trong ngày. Vấn đề đặt ra hiện nay là các tour du lịch sinh thái rừng phát triển ngày càng nhiều, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, hơn 1.000ha rừng đã chuyển mục đích sử dụng và giao cho 25 đơn vị kinh doanh du lịch. Đây là khu vực rất dễ xảy ra cháy. Chi cục đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra công tác PCCCR tại các đơn vị được giao đất lâm nghiệp này.

Chi cục Kiểm lâm cũng đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị phương tiện, dụng cụ đáp ứng yêu cầu chữa cháy khi cháy rừng xảy ra. Theo ông Võ Văn Dùng, cán bộ phụ trách Phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên của Chi cục Kiểm lâm, năm nay, phương tiện phục vụ chữa cháy rừng đầy đủ hơn, gồm 25 máy thổi gió, 7 máy cưa mini, 21 máy định vị GPS, 318 rựa cán dài, 110 bàn dập lửa… Đơn vị chưa có máy bơm nước cùng hệ thống đường ống, ô-tô vận tải dùng vận chuyển lực lượng và phương tiện đáp ứng yêu cầu chữa cháy rừng, kinh phí cho diễn tập PCCCR…

Năm 2012, rừng ở Đà Nẵng có bị cháy hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự nỗ lực phòng cháy của cơ quan kiểm lâm, chính quyền các địa phương và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi khách du lịch. Với sự chuẩn bị khá chu đáo về mọi mặt, hy vọng năm nay trên lâm phận Đà Nẵng không có cháy rừng xảy ra.    

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.