Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) có ý nghĩa quan trọng trong việc tồn tại và phát triển của tổ chức CĐ. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp CĐ.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Nguyễn Đức Thanh dự lễ ra mắt thành lập một CĐCS. |
Khó khăn
Với sự tập trung nguồn lực, xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo thực hiện quyết liệt của LĐLĐ thành phố, năm 2011, các cấp CĐ thành lập mới 133 CĐCS, đạt 122% kế hoạch; phát triển 10.899 đoàn viên, đạt 155% kế hoạch. Bà Phạm Thị Minh Thúy, Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ thành phố chia sẻ: “Vận động thành lập CĐCS không hề đơn giản, không phải việc ngày một ngày hai. Những kết quả trên là sự cố gắng của cả hệ thống trong thời gian dài kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, đặc biệt là trong doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước”.
Theo bà Phạm Thị Minh Thúy, hầu hết người sử dụng lao động đều đưa ra những lý do rất khéo léo để từ chối làm việc. Né tránh, trì hoãn, kéo dài và không tạo điều kiện để người lao động (NLĐ) gia nhập CĐ là tình trạng chung gặp phải khi tiếp cận chủ DN. Rào cản thứ hai là NLĐ không tự nguyện gia nhập CĐ. Điều này xuất phát từ việc NLĐ không hiểu tổ chức CĐ là gì, bảo vệ quyền và lợi ích của họ như thế nào. Ngoài ra, chưa có sự khác biệt về quyền lợi của đoàn viên và NLĐ không phải đoàn viên. Hơn nữa, trong rất nhiều DN, với đồng lương ít ỏi, NLĐ không muốn tham gia bất kỳ một đoàn thể nào vì sợ phải nộp phí. Bên cạnh đó, không ít CĐCS thành lập nhưng không được nâng cao chất lượng hoạt động. Có nơi thì hoạt động dàn trải nhiều nội dung, không thiết thực, có nơi chỉ hoạt động cầm chừng, không thể hiện được tiếng nói đại diện cho NLĐ. Điều này làm mất tính hấp dẫn của CĐ nên NLĐ không mấy mặn mà với việc gia nhập CĐ.
Tìm lời giải
Sau khi khảo sát nắm tình hình DN, nếu hội đủ các yếu tố để thành lập CĐ thì CĐ cấp trên gửi thư mời và thỏa thuận với chủ sử dụng lao động để tiếp cận tập thể NLĐ nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, việc gia nhập CĐ và thành lập CĐ cho chủ DN và NLĐ. Nếu chủ DN đồng ý, tập thể NLĐ có mong muốn gia nhập CĐ thì CĐ cấp trên hướng dẫn thủ tục cần thiết. Sau khi nhận được đầy đủ các văn bản đề nghị, CĐ cấp trên ra quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS, chỉ định BCH lâm thời và hướng dẫn hoạt động. Đây là những bước cơ bản trong quy trình thành lập CĐCS mà hầu hết các đơn vị áp dụng.
Theo quy trình này, đòi hỏi quá trình khảo sát, nắm tình hình NLĐ và DN phải thực sự khoa học, sát thực tế. Muốn tiếp cận DN thì trước tiên, CĐ phải thể hiện là đối tác tin cậy, giúp chủ DN ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, chứ không phải làm mất thời gian hay ảnh hưởng đến lợi nhuận, sản xuất như trong suy nghĩ của một số người sử dụng lao động. Và điều quan trọng, CĐ phải thực sự là tiếng nói bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ. Thời gian vừa qua, các cấp CĐ đã làm rất tốt điều này và đó là lý do vì sao chỉ tiêu giao trong năm luôn đạt và vượt, điển hình như CĐ ngành Công thương, LĐLĐ quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hòa Vang.
“Để đạt chỉ tiêu 122 CĐCS thành lập mới, phát triển 9.720 đoàn viên trong năm 2012, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ các cấp CĐ. Phải xác định rằng việc thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo, linh hoạt trong cách thức, nội dung tuyên truyền, thuyết phục. Đặc biệt coi trọng việc vận động người sử dụng lao động hiểu về CĐ để họ đồng tình, tạo điều kiện hỗ trợ. Việc thành lập CĐCS phải đi đôi với xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ tâm huyết, thạo việc. Ngoài ra, tăng cường sự vận động từ chính người NLĐ để trên cơ sở quyền lợi của mình, tập thể NLĐ có tiếng nói tác động đến người sử dụng lao động trong việc thành lập tổ chức CĐ. Khi CĐ được thành lập bởi nhu cầu của NLĐ thì sức lan tỏa của CĐ thực sự hiệu quả bằng chính những lợi ích thiết thực mà CĐ đem lại”, bà Phạm Thị Minh Thúy chia sẻ.
PHAN THỊ HÀ