ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI
Câu 1: Đề nghị tăng cường giám sát việc chi tiêu tài chính công, nợ công của Chính phủ; đề nghị Quốc hội có Nghị quyết để khống chế nợ công. (Cử tri quận Hải Châu).
Tại Công văn số 505 ngày 18-4-2012, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội trả lời như sau:
Ủy ban TCNS đã và đang triển khai các hoạt động giám sát về chi tiêu tài chính công và nợ công; tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban tiếp tục nghiên cứu triển khai sâu, rộng hơn nữa để có các kiến nghị với Quốc hội về cơ chế chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiến nghị với Chính phủ về các giải pháp quản lý, điều hành trong chi tiêu công, quản lý nợ công để bảo đảm sử dụng NSNN hiệu quả.
Về kiến nghị ban hành Nghị quyết để khống chế nợ công: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 10/2011/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, trong đó quy định chỉ tiêu nợ công như sau: Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP.
Bộ Tài chính đã thực hiện công khai về số liệu, tình hình nợ công trên website của Bộ, qua đó mọi đối tượng có thể truy cập và nắm bắt được các thông tin chung về nợ công. Tuy nhiên, Ủy ban TCNS kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo chi tiết về các khoản nợ công và báo cáo đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn vay, đồng thời công bố công khai các thông tin về nợ công đến cử tri cả nước được biết.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chân thành cảm ơn ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng và rất mong tiếp tục nhận các đóng góp tiếp theo của cử tri.
ỦY BAN KINH TẾ CỦA QUỐC HỘI
Câu 1: Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý vốn, tài sản Nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty để kịp thời phát hiện những sai sót, tránh để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như Tập đoàn Vinashin; bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đồng thời bảo đảm vai trò chủ đạo trong việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đánh giá việc đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua có đạt được hiệu quả so với mục tiêu đề ra chưa, nếu sử dụng nguồn ngân sách đầu tư không hiệu quả thì do đâu, trách nhiệm như thế nào, đồng thời sớm sắp xếp, loại bỏ những đơn vị liên tục thua lỗ, thất thoát ngân sách Nhà nước. (Cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê)
(Còn nữa)
H.B.P tổng hợp