.

CÁC ỦY BAN QUỐC HỘI VÀ BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG TRẢ LỜI Ý KIẾN CỬ TRI

(Tiếp theo)

2- Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông tin công chúng.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật có ý nghĩa và vị trí hết sức quan trọng, là cầu nối để các chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, đến được với mọi tầng lớp nhân dân. Đây là công tác đã được các cấp, các ngành, các cơ quan trong hệ thống chính trị tiến hành thường xuyên, liên tục; trong đó, Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân.

Là cơ quan ban hành luật, thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân thông qua nhiều hình thức, trong các giai đoạn của quy trình xây dựng pháp luật. Cụ thể:

- Trong giai đoạn dự thảo, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về dự án luật; công khai dự thảo văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các trang thông tin điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp ý kiến xây dựng văn bản, kịp thời nắm bắt được dự kiến những thay đổi về chính sách, pháp luật, chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện sau này.

- Khi dự án luật được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan công bố các văn bản luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử để người dân được biết. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp đã báo cáo những nội dung chính của các văn bản luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp đó.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo Văn phòng Quốc hội xây dựng cơ sở dữ liệu luật, hợp nhất các văn bản (nếu có) công bố trên website của Quốc hội; xuất bản các ấn phẩm để giới thiệu đến công chúng nội dung của các đạo luật. Báo Đại biểu nhân dân cũng đã tham gia các chương trình truyền thông mang tính xã hội, có quy mô, thời lượng lớn; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc tuyên truyền pháp luật.

Đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đã được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm, về hoạt động của các đoàn giám sát, về các nghị quyết sau hoạt động giám sát. Các phiên giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi.

Tuy nhiên, hoạt động này hiện vẫn còn một số hạn chế như thông tin chưa thường xuyên, phân tán.

Trong thời gian tới, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục tham mưu giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đổi mới việc cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật theo hướng: Thiết lập một website chính thống, Cổng điện tử của Quốc hội để nhân dân, cử tri có thể khai thác thông tin pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật của Báo Đại biểu nhân dân; xây dựng kênh truyền hình về hoạt động Quốc hội... nhằm thông tin rộng rãi hơn nữa về pháp luật, về kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội để nhân dân, cử tri theo dõi, giám sát một cách thiết thực, hiệu quả hơn.

(Còn nữa)

H.B.P tổng hợp
 

;
.
.
.
.
.