.
Chủ trương, văn bản và cuộc sống

Tư duy vượt trước: Cái khó của sự đột phá

.

Nhiều chủ trương của Đà Nẵng đã và đang được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm, xem đó là sự đột phá.

Tạm dừng đăng ký thường trú mới vào nội thành đối với người nhập cư đang sống nhà thuê, nhà mượn, hoặc ở nhờ là một trong những nội dung được quy định tại Nghị quyết 23 - kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố khóa VIII.

Người dân tìm hiểu về dự án Khu đô thị Công nghệ FPT Đà Nẵng. Khu đô thị mới này được kỳ vọng sẽ góp phần giãn dân ở trung tâm thành phố.                            Ảnh: Tú Phương
Người dân tìm hiểu về dự án Khu đô thị Công nghệ FPT Đà Nẵng. Khu đô thị mới này được kỳ vọng sẽ góp phần giãn dân ở trung tâm thành phố.     Ảnh: Tú Phương

Yêu cầu từ thực tiễn

Trong lúc tiếp tục có những ý kiến tranh cãi, thậm chí Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp đề nghị Đà Nẵng tự kiểm tra, hủy bỏ các nội dung quy định bị “thổi còi” tại Nghị quyết 23, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII của Đà Nẵng vẫn kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét những điều kiện nhập cư vào các thành phố lớn.

Ông Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (khóa XIII) thành phố cho rằng, công tác xây dựng luật của Quốc hội trong những nhiệm kỳ gần đây và hiện nay có nhiều đổi mới, đáp ứng được yêu cầu quản lý xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của đất nước, thực tiễn cuộc sống nảy sinh những vấn đề đòi hỏi pháp luật của Nhà nước phải liên tục hoàn thiện để quản lý tốt xã hội. Sự phát triển của đất nước hiện cho thấy yêu cầu đối với công tác quản lý xã hội của Nhà nước ở khu vực đô thị lớn có sự khác biệt với khu vực nông thôn. Vì vậy, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội cũng phải đổi mới hơn nữa.

“Khi xã hội nảy sinh những vấn đề đòi phải sửa đổi, bổ sung ngay luật, pháp lệnh có liên quan thì chúng ta cũng bổ sung ngay vấn đề này vào chương trình kỳ họp gần nhất để Quốc hội hoàn thiện luật. Chẳng hạn như những điều bất cập của Luật Cư trú năm 2006 trong công tác quản lý nhập cư với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố công nghiệp, thành phố đáng sống theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, những bất cập của luật này cần phải được sửa đổi ngay”, ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp, cũng khẳng định: Hạn chế không có nghĩa là cấm cửa, mà chỉ là tạm dừng đăng ký thường trú mới vào nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự. Cũng theo ông Sơn, điều này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của Đà Nẵng trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

Ngay tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa VIII, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố, đã cho rằng thực trạng dân nhập cư gia tăng là áp lực, thách thức lớn đối với chất lượng dân số, việc làm và an ninh trật tự. Cụ thể, có 278 bị can mới bị khởi tố ở Đà Nẵng trong năm 2011 là người địa phương khác. Song, UBND thành phố không được phép tự ban hành thêm những quy định, thủ tục ngoài Luật Cư trú cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Vì vậy mới có việc HĐND cho tạm dừng đăng ký nhập cư mới đối với các trường hợp ở nhà thuê, nhà mượn, nhà ở nhờ để chờ kiến nghị Trung ương cho phép thành phố được ban hành các quy định về di chuyển, quản lý đối với người nhập cư, chính sách người nhập cư có trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao.

Song, các cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp vẫn khăng khăng rằng, theo quy định của Luật Cư trú và Nghị định hướng dẫn thi hành, công dân có đủ các điều kiện: Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú tại thành phố trực thuộc Trung ương liên tục từ một năm trở lên; trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ mà người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản (Điều 20, Luật Cư trú) thì đủ điều kiện để đăng ký hộ khẩu thường trú (!?).

Bức tranh đô thị trong tương lai

Với bộ mặt đô thị khang trang cùng những điều kiện tự nhiên khác, Đà Nẵng được nhiều người dân trên cả nước xem là “điểm đến” lý tưởng để sống, trong khi 2 đô thị lớn nhất nước đang rơi vào tình trạng quá tải.

Ông Bùi Thiện Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị FPT (FPT City), cho rằng Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi khi hội tụ sông, núi, biển; đồng thời chính quyền thành phố lại năng động với những tư duy vượt trước nên hoàn toàn có cơ sở để xây dựng “thành phố đáng sống”. Tuy nhiên, cũng theo ông Cảnh, nếu không có những quy định quản lý bổ sung để giải quyết những bất cập, bức tranh đô thị của Đà Nẵng trong tương lai sẽ quá tải. Cũng vì yêu mến Đà Nẵng, ông Cảnh cùng gia đình đã từ Hà Nội vào thành phố này để định cư, lập nghiệp. Ban đầu là Giám đốc Công ty Phần mềm FPT tại Đà Nẵng, nay là người đứng đầu FPT City, ông đang thực hiện dự án khu đô thị công nghệ mới tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), vừa góp phần thực hiện việc giãn dân ở trung tâm, vừa tạo ra chiếc áo mới cho một vùng ven thành phố.

Thực tế, nhiều cán bộ, người dân Đà Nẵng cũng đồng tình với chủ trương đi trước của thành phố. Ông Nguyễn Đình Ân (cán bộ hưu trí quận Hải Châu) cho rằng việc thực hiện phân làn đường, tổ chức đường một chiều là những bằng chứng cho thấy bắt đầu có dấu hiệu quá tải dân tại Đà Nẵng. “Nếu không có những biện pháp căn cơ ngay từ bây giờ thì trong tương lai, Đà Nẵng có thể không còn là thành phố đáng sống nữa”, ông Ân nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp, còn nhấn mạnh: “Thực tiễn luôn vận động và những quy phạm pháp luật cũng cần được nghiên cứu sửa đổi kịp thời, phù hợp. Cuộc sống đặt ra vấn đề: Thiếu chế tài mạnh. Song, khi Đà Nẵng thực hiện chế tài mạnh thì bị “thổi còi”. Có thể thấy Đà Nẵng đang bị kẹt giữa 2 yếu tố: Tính pháp chế của văn bản và nhu cầu của người dân”.

TÚ PHƯƠNG - SƠN TRUNG

Kỳ tới: Luật Cư trú không theo kịp thực tiễn.

;
.
.
.
.
.