.

Điểm tựa của những cuộc đời lầm lỡ

.

“Nhờ sự động viên kịp thời của các ngành, các cấp, nhất là được vay vốn từ Quỹ hoàn lương (QHL) của thành phố, tôi có điều kiện làm lại cuộc đời”, Võ Lê Quảng Đ. (30 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chia sẻ.

Sau khi được hỗ trợ từ Quỹ hoàn lương, Võ Lê Quảng Đ. đã thật sự trở lại làm người lương thiện.
Sau khi được hỗ trợ từ Quỹ hoàn lương, Võ Lê Quảng Đ. đã thật sự trở lại làm người lương thiện.

Hoàn lương nhờ QHL

Con đường phạm tội của Võ Lê Quảng Đ. hết sức đơn giản. Đầu năm 2005, sau khi cùng bạn bè nhậu bí tỉ tại bãi biển Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), cả nhóm điều khiển xe máy vào Đà Nẵng. Khi đi ngang qua đường Nguyễn Tất Thành, phát hiện một đôi nam nữ đang ngồi tâm sự nên cả nhóm rủ nhau khống chế để cướp tài sản. Đánh đổi cho hành động nông nổi đó, Đ. phải nhận mức án hơn 2 năm tù giam. Sau ngày ra tù, Đ. được chính quyền địa phương và lực lượng Công an quan tâm, tạo mọi điều kiện giúp đỡ và được thành phố hỗ trợ cho vay 3 triệu đồng từ QHL. “Khi có tiền, tôi cùng bố đầu tư sản xuất mây tre tại gia đình. Sau hơn một năm, làm ăn dư giả, tôi đã trả vốn cho thành phố và tiếp tục vay thêm 4 triệu đồng để mở rộng cơ sở sản xuất mây tre. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời đó mà tôi đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống, làm lại cuộc đời”, Đ. tâm sự.

Hiện tại, mỗi tháng Đ. kiếm hơn 3 triệu đồng nuôi vợ và hai con nhỏ. Mong muốn của Đ. hiện nay là được vay thêm vốn để đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường và tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh. “Từ khi vay vốn sản xuất làm ăn, Đ. đã bỏ hẳn thói hư tật xấu, hoàn lương làm người, được chính quyền địa phương đánh giá cao”, Đại úy Nguyễn Công Hà, Phó trưởng Công an phường Hòa Minh nhận xét.

Cũng như Đ., anh Lê Văn T. (35 tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) trở thành người lương thiện nhờ nguồn QHL. Năm 2003, T. nhiều lần tham gia trộm cắp, cướp giật và bị kết án 3 năm tù giam. Sau khi ra trại, T. quyết tâm làm lại cuộc đời. Có sự hỗ trợ của gia đình, T. vay QHL và mở xưởng cơ khí tại gia đình. Nay đến phường Hòa Khánh Nam hỏi về Lê Văn T. thì hầu hết ai cũng biết ông chủ chín chắn, có uy tín với khách hàng và hết mực thương yêu vợ con.

Còn anh Trần Quốc T. (trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) sau khi ra tù cũng được vay QHL để chăn nuôi, sản xuất. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, anh T. hiện làm ăn rất hiệu quả. Để tiếp tục mở rộng cơ sở, anh được chính quyền đề nghị thành phố cho vay lần thứ hai từ nguồn quỹ này.

Hơn 1.000 người vay QHL

Năm 2003, để tạo công ăn việc làm cho những người sau khi ra tù, thành phố Đà Nẵng thành lập “Quỹ hỗ trợ cho các đối tượng ra tù” - nay là QHL. Đến nay, Ban quản lý QHL thành phố đã xét duyệt 83 đợt, cho hơn 1.100 người vay, với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng (trong đó có 2,5 tỷ đồng là vốn cấp ban đầu, còn lại là số thu nợ quay vòng). Thượng tá Trần Mưu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, qua kiểm tra thực tế tại địa phương cũng như báo cáo tại các xã, phường trong việc sử dụng nguồn vốn, nhìn chung đa số những người vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, bước đầu góp phần ổn định đời sống, sớm hòa nhập cộng đồng. Từ nguồn quỹ này, nhiều người làm ăn hiệu quả, trở thành những ông chủ, bà chủ có uy tín trong xã hội.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cho rằng, đây là số tiền của chính quyền thành phố cấp nên tiêu xài phung phí, tái phạm hoặc bỏ đi khỏi địa phương, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình thu hồi. “Thời gian đến, Ban quản lý QHL sẽ thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, xã phường tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn và thu hồi vốn. Trước khi các đối tượng vay, chính quyền cơ sở phải đến từng gia đình để xem xét hoàn cảnh, nghe tâm tư nguyện vọng, nhắc nhở động viên đối tượng và gia đình sử dụng vốn sao cho có hiệu quả nhất”, Thượng tá Trần Mưu chia sẻ.

Đánh giá về nguồn QHL, Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Đây là chính sách đúng đắn, nhân đạo của thành phố. Đồng vốn tuy nhỏ nhưng hiệu ứng lớn, là sự sẻ chia, quan tâm của cả cộng đồng dành cho những con người đã từng lầm đường lạc lối... Sự thông cảm, nâng đỡ về mặt tinh thần và tạo điều kiện để có đồng vốn lận lưng là chìa khóa để những người từng lỡ vướng tù tội có điểm tựa để vững tin làm lại cuộc đời.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.