.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP. ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ BA, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ là 55

.

Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì. Thiếu tướng Lê Văn Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 5, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã tham gia phát biểu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Lê Văn Hoàng phát biểu tại hội trường.  Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Lê Văn Hoàng phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Lê Văn Hoàng bày tỏ sự đồng tình và nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. ĐB cho rằng, những ý kiến tham gia đóng góp của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh sửa và có những bổ sung hết sức cụ thể. Theo ĐB thì Bộ luật Lao động là bộ luật gốc chi phối một số luật khác. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cũng hết sức chặt chẽ.

 Về quy định mức trần thời gian của hợp đồng lao động xác định thời hạn, ĐB cho rằng cả hai phương án trong dự thảo luật đều quy định mức trần thời gian hợp đồng lao động xác định thời hạn tối đa là 72 tháng. Nhưng phương án thứ nhất thì cho phép người lao động và chủ sử dụng lao động chủ động ký hợp đồng lần thứ nhất có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, trường hợp hai bên ký hợp đồng lao động mới, loại hợp đồng xác định thời hạn thì cũng ký thêm một lần. Nếu người lao động phù hợp với công việc được tuyển dụng thì người sử dụng lao động dễ dàng quyết định việc ký hợp đồng không xác định thời hạn. Trường hợp cố tình sử dụng người lao động mà không muốn ràng buộc hợp đồng lâu dài thì cũng bị pháp luật hạn chế vì đã hai lần ký hợp đồng ngắn hạn. Bên cạnh đó, người lao động không phù hợp với công việc thì quy định thời hạn ba năm cũng thuận lợi cho cả hai bên chấm dứt hợp đồng và người lao động còn thời gian để tiếp tục làm những công việc khác. Do đó, ĐB cho rằng phương án thứ nhất là phương án có tính khả thi cao hơn.

Về quy định giờ làm thêm, ĐB đồng ý với phương án thứ nhất vì quy định tại phương án này bảo đảm được tính khoa học, phù hợp với thực tế cuộc sống và sức khỏe của người Việt Nam, giúp cho người lao động có thêm thu nhập và có thể phục hồi sức khỏe sau những ngày, giờ lao động vất vả. Nếu kéo dài thời gian làm thêm giờ thì không phù hợp với xu hướng tiến bộ của xã hội, hơn nữa người lao động lại bị khai thác sức lao động quá mức dễ xảy ra tai nạn lao động và họ không có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe để tiếp tục lao động, làm ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cuộc sống bản thân cũng như hạnh phúc của gia đình.

Về quy định thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, ĐB cho rằng cả hai phương án đều quy định tăng thêm thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ so với quy định hiện hành: phương án thứ nhất nghỉ thai sản 6 tháng; phương án thứ hai nghỉ thai sản 5 tháng hoặc 6 tháng đối với một số nhóm đối tượng đặc thù. Theo ĐB thì cả hai phương án này đều tiến bộ, phù hợp với xu hướng chung và tạo điều kiện cho bà mẹ có thêm thời gian chăm sóc sức khỏe của trẻ thơ cũng như phục hồi sức khỏe của chính bà mẹ. Mặt khác, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã xác định quỹ bảo hiểm xã hội có thể cân đối được khi cho phép bà mẹ nghỉ thai sản từ 5 - 6 tháng. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được nghỉ trước và sau khi sinh 6 tháng phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau khi sinh. ĐB cho rằng, nguồn nhân lực trong tương lai như thế nào và chất lượng lao động trong tương lai có cao hay không phụ thuộc khá lớn vào việc ngay từ bây giờ chúng ta quan tâm nuôi con bằng sữa mẹ. Đồng thời, lao động nữ nghỉ sinh 6 tháng còn thể hiện được tính ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong khi điều kiện kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, ĐB đồng tình với phương án thứ nhất là lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh 6 tháng.

Về tuổi lao động, tuổi nghỉ hưu của người lao động, ĐB cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo luật, nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi, nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi. Riêng một số nhóm lao động đặc thù có thể được nghỉ hưu trước 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, thời kỳ lực lượng sẵn có dồi dào, phong phú và nhiều tiềm năng, thời kỳ này sẽ kéo dài khoảng thời gian như ước tính của các nhà khoa học từ 30 đến 35 năm. Do đó, ĐB cho rằng nếu chúng ta có những giải pháp phù hợp trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm đầy đủ và biết cách sử dụng hợp lý lực lượng lao động này thì sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, ĐB đồng tình với quy định tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không quá 5 năm đối với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhóm lao động có tính chuyên môn kỹ thuật kể cả nam và nữ và một số cán bộ làm công tác quản lý chủ chốt ở tầm vĩ mô.

 ĐB Lê Văn Hoàng cho rằng, quan hệ lao động có vai trò rất quan trọng trong pháp luật về lao động, nếu không quy định khái niệm về quan hệ lao động thì khi có các hành vi vi phạm pháp luật về quan hệ lao động chúng ta không có cơ sở pháp luật cụ thể để giải quyết các vấn đề phát sinh. Do đó, ĐB đề nghị bổ sung thêm khái niệm về quan hệ lao động tại Điều 3 hoặc Điều 7 dự thảo luật.

PHẠM HỮU HOA

;
.
.
.
.
.