.

Người phụ nữ làm việc của đàn ông

.

Hơn 20 năm qua, dưới tán cây me vỉa hè đường Hùng Vương, một phụ nữ hằng ngày cần mẫn sửa chữa những món đồ hư hỏng trở lại có ích, giúp bao gia đình không bỏ phí những vật dụng cần thiết.

Chị Thuận cần mẫn sửa chữa đồ điện trên vỉa hè nhà số 244 Hùng Vương-Đà Nẵng.
Chị Thuận cần mẫn sửa chữa đồ điện trên vỉa hè nhà số 244 Hùng Vương-Đà Nẵng.

Tình cờ dạo trên đường Hùng Vương tìm mua chiếc máy xay sinh tố mới, tôi gặp người phụ nữ ngồi sửa chữa đồ điện gia dụng trên hè phố. Vậy là tôi thay đổi ý định mua mới, về nhà mang máy xay sinh tố bị hỏng ra nhờ sửa chữa. Chị nhanh nhẹn cắm phích điện thử máy và nói ngay sửa chữa mất vài chục ngàn đồng, hẹn 1 giờ sau quay lại nhận hàng. Lấy cớ đang rảnh rỗi nên tôi kéo chiếc ghế ngồi đợi và trò chuyện cùng người phụ nữ làm công việc vốn dành cho đàn ông. Chị nói đến với nghề cũng vì mưu sinh, chứ suốt ngày quần quật với tuốc-nơ-vít, kìm, kéo, mỏ hàn, ổ điện, mô-tơ... cũng đầy bất trắc.

Chị tên Nguyễn Thị Thuận, sinh năm 1961, nhà ở tổ 7 khu phố Cầu Vồng, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu. Chị Thuận đến với nghề sửa chữa điện gia dụng đến nay đã 21 năm và cũng ngần ấy thời gian chị mưu sinh trên đường phố một mình thay chồng nuôi 3 con ăn học, hiện hai con đã tốt nghiệp đại học, người con gái út đang học năm thứ 3 Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Xen giữa câu chuyện với chị là những khách hàng liên tục tấp xe vào để nhờ sửa nồi cơm điện, quạt... Mỗi khách hàng được tiếp đón bằng nụ cười đôn hậu. Nhận vật dụng từ tay khách hàng, chị Thuận cắm phích điện và trong tích tắc đã biết bị hư hỏng cái gì, giá tiền sửa chữa. Khi khách đồng ý, chị đưa name-card, tóm tắt nội dung sửa chữa, tiền công, ngày giao hàng và thời gian bảo hành. Nhìn cung cách sửa chữa đồ điện của chị Thuận, tôi đặt tin tưởng vào đôi bàn tay lành nghề của người phụ nữ đầy cá tính và chắc chắn là tài hoa.

Kể từ dạo đó đến nay đã hơn một năm, máy xay sinh tố qua bàn tay chị Thuận sửa chữa của gia đình tôi vẫn chạy tốt. Tôi trở thành khách quen và lui tới khi nhờ sửa quạt, lúc thì nồi cơm điện. Có được địa chỉ sửa chữa đồ điện uy tín, tăng thời gian sử dụng đồ điện trong gia đình cũng làm tôi có uy tín trong mắt vợ khi có ông chồng biết tiết kiệm, không vứt bỏ đồ điện bị hư như những năm trước.

Chị Thuận kể, gia đình vốn nghèo và dù có sáng dạ nhưng chỉ học đến lớp 9 là chị nghỉ ngang. Cuộc sống đã kéo chị mưu sinh bằng nghề bán đồ điện cũ trên đường Tăng Bạt Hổ vốn nổi tiếng là “chợ trời” của nhiều loại hàng hóa, vật dụng... Rồi chị lấy chồng làm công nhân cơ điện trong Nhà máy Dệt Hòa Thọ cũ. Công việc không ổn định, chồng chị về mở tiệm sửa chữa đồ điện. Lúc đầu chị chỉ quan sát công việc chồng làm, sau rảnh rang ngồi phụ giúp dọn dẹp đồ đạc. Chồng chị nhận thợ học việc rồi chị nghe lén, nhìn theo và cứ vậy ngấm trong đầu. Dần dần chị tập tành sửa chữa và rồi nghề sửa chữa đồ điện gia dụng đã cho chị cái nghiệp để mưu sinh. Hơn 20 năm qua, dưới tán cây me vỉa hè đường Hùng Vương, hằng ngày chị vẫn cần mẫn tháo, ráp, vặn, xoay ốc vít… Nhiều người ở trong Tam Kỳ, hay Hội An (Quảng Nam) khi ra Đà Nẵng có công chuyện cũng mang đồ điện hư hỏng đến sửa.

Dù có chút ít kiến thức lý thuyết về đồ điện gia dụng nhưng nghe chị nói về những nguyên lý hoạt động, cơ chế vận hành hay tên gọi của các thiết bị tôi như được học hỏi thêm, hiểu biết hơn. Theo chị Thuận, những đồ điện sản xuất ngày trước sử dụng bền hơn, khi hư hỏng ít có linh kiện thay thế nên phải biết sáng tạo mà người trong nghề gọi là “độ”, tức là tận dụng linh kiện cũ để thay thế. Có lúc phải “đem râu ông nọ cắm cằm bà kia” nhưng phải phù hợp. Đồ gia dụng công nghệ mới hiện nay phần lớn đều có linh kiện thay thế nên đỡ vất vả hơn. Linh kiện thay thế chị đánh dấu và bảo hành. Nhiều năm “bắt mạch” sửa chữa đồ điện, chị Thuận thuộc lòng từng “căn bệnh” của từng đồ điện gia dụng nên chị thường tư vấn cho khách cách sử dụng để tránh những hư hỏng.

Chị Thuận tâm sự: Thời gian đầu khách hàng chưa tin tưởng vì mình là phụ nữ. “Thỉnh thoảng khách lạ cũng ái ngại giao hàng sửa chữa nhưng hiếm lắm, bởi phần lớn là khách quen. Khách này nhờ sửa xong, dùng thấy bền lại giới thiệu khách mới. Chị cũng cho rằng, chẳng có sự bất tiện hay khó khăn gì trong nghề so với nam giới, hơn nữa lại có thế mạnh ở sự chăm chỉ, cẩn thận nên khách hàng tin tưởng. “Thợ nam sáng cà-phê, chiều bồn chồn ra quán nhậu, kéo theo việc trễ hẹn giao hàng nên khách khó tính sẽ nản”, chị nói.

Mưu sinh trên vỉa hè đường Hùng Vương, trước cổng Công ty Xuất khẩu lâm đặc sản Quảng Nam (Forexco). Cảm thương nếp ăn, cách ở và công việc làm của người phụ nữ tài hoa nên công ty này đã giao thêm cho chị Thuận làm công việc bảo vệ cơ quan vào ban ngày. Forexco cho chị mượn gian hàng mặt phố đường Hùng Vương để bán thêm đồ điện gia dụng.

Hơn 20 năm mưu sinh trên đường phố, công việc sửa chữa đồ điện đã đem lại cho chị cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học. Với tôi và nhiều người, đã có một địa chỉ sửa chữa đồ gia dụng uy tín, mỗi khi cần sẽ nhớ đến nơi này.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG
 

;
.
.
.
.
.