Nhiều người dân ở thôn Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đã gửi đơn đến Báo Đà Nẵng mong muốn làm rõ việc triển khai dự án Nghĩa trang Hòa Sơn giai đoạn 5 hiện nay, những hộ nhận tiền đền bù rồi có phải trả lại hay không.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Dũng (ảnh) - Trưởng Phòng Áp giá đền bù thuộc Ban Giải tỏa đền bù số 1 thành phố Đà Nẵng - cho rằng, nếu làm chặt chẽ ngay từ khâu quy hoạch thì sẽ tránh được những sai sót đáng tiếc.
* Tại sao lại dừng dự án Nghĩa trang Hòa Sơn giai đoạn 5, thưa ông?
- Chúng tôi đi kiểm tra thực tế, thấy đất thổ cư tách thửa quá nhiều, nếu giải tỏa hết để chôn mộ thì phải bố trí gần 300 lô đất của 250 hộ. Thành phố sẽ không đủ quỹ đất để bố trí. Hơn nữa, chi phí xây hạ tầng sau bố trí tái định cư cho nhiều hộ như vậy sẽ rất tốn kém. Sau đó, chúng tôi trình lên Hội đồng giải tỏa đền bù để đề xuất UBND thành phố dừng dự án và tháng 11-2011, UBND thành phố đã có quyết định đồng ý với đề nghị này.
* Hiện có bao nhiêu hộ nhận tiền đền bù. Nếu họ không có khả năng trả lại thì phải làm thế nào?
- Có 4 hộ đã nhận 80% tiền đền bù với tổng số tiền khoảng 800 triệu đồng. Đó là các hộ: Võ Ngọc Anh, Võ Thị Mừng, Nguyễn Hoài Khương, Nguyễn Hương. Nếu người dân không có điều kiện hoàn trả số tiền đã nhận, có nguyện vọng đi đến nơi ở khác thì Ban sẽ báo cáo với Hội đồng giải phóng mặt bằng cùng địa phương kiểm tra thực tế và kiến nghị với UBND thành phố cho 4 hộ này đi hẳn, đồng thời bố trí tái định cư. Chỗ đất mà 4 hộ dân bàn giao được địa phương tạm thời quản lý.
* Quá trình kiểm định, áp giá đền bù được thực hiện thế nào?
- Khi có quyết định phê duyệt, chúng tôi họp dân công bố quy hoạch rồi tiến hành kiểm định xét tính pháp lý. Ban sẽ căn cứ vào thông tin đo đạc kiểm định được địa phương xác nhận, các hộ dân ký rồi áp giá và gửi lên cho Sở Tài chính thẩm định giá trị bồi thường, sau đó gửi bảng giá xuống cho dân. Sau một thời gian người dân không có kiến nghị, thắc mắc thì tiến hành chi trả đền bù. Dự án nghĩa trang Hòa Sơn được triển khai nhanh nên các hộ dân nhận, thậm chí ứng tiền cũng được nhận ngay để giải phóng mặt bằng kịp tiến độ di dời.
* Làm nhanh nên việc chi tiền đền bù như vậy liệu có quá vội vàng không, thưa ông?
- Chi như vậy là đúng theo quy định và trình tự, chứ không phải vội vàng, vấn đề là do quyết định điều chỉnh của thành phố sau thời gian Ban chi tiền đền bù nên lúc đó 4 hộ đã nhận tiền. Khi có quyết định, chúng tôi lập tức dừng chi tiền và gửi thông báo cho các hộ: Tạm giữ nguyên hiện trạng, không tháo dỡ, đề nghị hoàn trả lại cho Kho bạc Nhà nước.
* Trong lúc kiểm định đã thấy tách thửa nhiều, sao không dừng việc áp giá đền bù lại?
- Khi triển khai, kiểm định là kiểm định cuốn chiếu. Kiểm định đến đâu, cập nhập xây dựng hồ sơ pháp lý, gửi lên huyện Hòa Vang để họp xét tính pháp lý rồi làm luôn, chi trả ngay. Chứ kiểm định xong hết dự án rồi mới làm thì không kịp. Tuy nhiên, điều nghịch lý là khi kiểm định, người dân không có ở đó, sổ thì có nhưng hiện trạng là đất trống, không biết đất có chủ. Đến khi người dân ồ ạt đến nộp sổ yêu cầu đền bù và bố trí tái định cư thì chúng tôi mới biết. Việc nhiều hộ mua đất để đó, hiện trạng đất trống, muốn quy chủ mời đến kiểm định cũng xảy ra nhiều nơi như ở Nghĩa trang Hòa Ninh hiện có 12 thửa đất như vậy. Chủ đất sở hữu 4, 5 thửa đất ở Hà Nội nhưng họ không vào để giải quyết. Ban phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, quy định trong 20 ngày, thành lập hội đồng kiểm định vắng chủ, quay phim, chụp ảnh cụ thể, áp giá thông báo nhận tiền, nếu họ vẫn không tới phải thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng, chuyển tiền vào Kho bạc Nhà nước, đến khi họ tới thì bàn giao. Tuy nhiên, những trường hợp đó rất phức tạp, khiến chúng tôi mất nhiều thời gian.
* Như vậy phải làm chặt chẽ từ khâu nào thì mới tránh được sai sót, bởi tiền đã giao rồi thì rất khó lấy lại?
- Phải làm từ đầu, tức là từ khâu quy hoạch để qua địa phương có thể biết vùng đó phải giải tỏa sơ bộ bao nhiêu hộ, loại đất gì, dự kiến bố trí bao nhiêu lô, chọn vùng bố trí ở đâu, như thế nào, theo nguyện vọng của người dân ở đó. Khi đã xong, trình UBND thành phố phê duyệt rồi chuyển sang Trung tâm Đo đạc bản đồ đo theo dãy thửa thực tế và chúng tôi căn cứ vào bản đồ hiện trạng cũng như thửa đất, họp dân tiến hành kiểm định. Nếu làm kỹ những vấn đề trên thì sẽ tránh những sai sót đáng tiếc như vừa rồi.
* Xin cảm ơn ông!
Dự án Nghĩa trang Hòa Sơn giai đoạn 5 dự kiến triển khai với 21ha. Tuy nhiên, sau khi kiểm định thấy các hộ dân tách thửa quá nhiều nên Hội đồng giải tỏa đền bù kiến nghị và UBND thành phố đồng ý dừng dự án, chuyển sang chỉnh trang, đồng thời tập trung triển khai dự án Nghĩa trang Hòa Ninh (cách đó vài km) giai đoạn 2 và 3 để đáp ứng nhu cầu cải táng mộ từ các vùng giải tỏa. Song, nhiều người dân vì không thích dời mộ lên Hòa Ninh nên đã mua đất chủ yếu bằng giấy viết tay ở vùng rìa nghĩa trang Hòa Sơn để xây mộ trái phép (Báo Đà Nẵng ngày 7 và 8-6 đã có bài phản ánh). Người dân thôn Phú Thượng hiện lo lắng vì một số người đã nhận tiền đền bù, một số chưa nhận thì không dám canh tác, gieo trồng, làm nhà cửa. |
KIM NGÂN thực hiện