Từ năm 2010 đến nay, Quận Đoàn Thanh Khê đã tiếp nhận cảm hóa, giúp đỡ 58 thanh-thiếu niên chậm tiến. 21 em trong số đó đã biết “quay đầu” sau những chuyến phiêu lưu với chính cuộc đời mình.
Được sự giúp đỡ từ Quận Đoàn Thanh Khê, em Cao Hữu Lâm đã tìm được việc làm với thu nhập 2 triệu đồng/tháng. |
Giã từ cuộc chơi
Cứ ngỡ những thanh - thiếu niên sớm chai lì với cuộc sống sẽ rất khó gần, nhưng qua một hồi kiên trì hỏi han, khi rũ bỏ được vẻ ương bướng và lì lợm cũng là lúc nhiều em vỡ òa bao cảm xúc xen lẫn nỗi xót xa. Sự xót xa của các em chính là việc vẫn bị người đời gán cho chữ “hư”...
Cao Hữu Lâm (18 tuổi, trú K58/H01/6 đường Võ Văn Tần, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) bỏ học từ năm lớp 9 với lý do... chán. Suốt 3 năm Lâm là nỗi muộn phiền của gia đình với những lần đánh nhau, đi bụi không về, những hôm tập “chơi sang” tại quán bar, vũ trường... Nhưng rồi chính em đã quyết định thay đổi trước sự ngạc nhiên của gia đình, bạn bè và hàng xóm. Gần một năm qua Lâm là công nhân chăm chỉ của một cơ sở gò hàn trên đường Nguyễn Hữu Thọ, với thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Lâm chia sẻ: Để “quay về”, em phải nói lời chia tay với đám bạn cũ. Nhưng thoát khỏi sự rủ rê của chúng bạn không hề dễ dàng. Có những hôm đang làm việc tại xưởng, bạn bè lại đến rủ đi nhậu, từ chối không xong, Lâm lại gật đầu đi cùng.
Lâm cho biết: “Những cuộc chơi của tụi em bao giờ cũng phải đủ “3 tăng”. Khi tàn cuộc cũng là lúc trời rạng sáng”. Lâm ngán ngẩm với những thú chơi vô bổ đó, lại thấy mình càng sa đọa, gia đình càng nghèo, mẹ ngày một già yếu, nên bây giờ dù không dứt khoát hẳn mọi lời mời, nhưng Lâm đi đâu cũng tìm cách về trước 22 giờ.
Cũng như Lâm, mấy tháng nay, Trần Hà Nam (17 tuổi, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) gần như đoạn tuyệt hẳn với đám bạn vô công rỗi nghề trước đây để đi làm ở tiệm Internet. Thỉnh thoảng Nam còn đi hút hầm cầu cùng ông ngoại. Nam chia sẻ: “Bạn cũ đến rủ đi chơi nhiều lắm nhưng em cố tình tránh hết. Bây giờ, em chỉ mong kiếm được việc làm ổn định, có thu nhập để mình luôn bận rộn và sống có mục đích, chứ rảnh rỗi thì cũng có ngày quay về đường cũ thôi!”.
Người đồng hành
Được biết, 2/3 số thanh - thiếu niên chậm tiến trên địa bàn quận Thanh Khê đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trên hành trình tiến bộ của các em, có sự giúp sức rất lớn của nhiều tổ chức xã hội, trong đó phải kể đến vai trò của tổ chức Đoàn. Từ năm 2010 đến nay, công tác cảm hóa, giáo dục thanh-thiếu niên chậm tiến luôn được các cấp bộ Đoàn trên địa bàn quận Thanh Khê quan tâm, thực hiện tốt. Quận Đoàn đã phân công mỗi cán bộ Đoàn nhận giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục một thanh-thiếu niên, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và động viên các em tiếp tục đi học, đi làm và giới thiệu học nghề miễn phí tại các cơ sở học nghề cho các em có nhu cầu.
Từ năm 2010 đến nay, Quận Đoàn Thanh Khê đã nhận cảm hóa, giúp đỡ 58 thiếu niên chậm tiến, trong đó có 21 em tiến bộ ra khỏi danh sách cần theo dõi; giúp đỡ các em phương tiện đi lại (xe đạp), nộp học phí với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng.
Để công tác cảm hóa, giáo dục thanh-thiếu niên chậm tiến đạt hiệu quả, từ đầu năm 2011 đến nay, Quận Đoàn Thanh Khê đã phối hợp cùng Hội Cựu Chiến binh, Công an quận tổ chức nhiều buổi gặp mặt các em và gia đình. Đặc biệt, vào cuối tháng 3-2011, Quận Đoàn đã tổ chức gặp mặt giao lưu giữa đoàn viên, thanh niên với thanh-thiếu niên chậm tiến và đối thoại với Bí thư Quận ủy Thanh Khê, đồng thời được lắng nghe, chia sẻ tâm tình, cảm xúc qua chuyên đề “Học làm người có ích” do anh Nguyễn Thành Nhân - Giám đốc Trung tâm Thanh-thiếu niên miền Nam trình bày, qua đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhu cầu trong cuộc sống hiện tại, để rồi hướng đến ước mơ về tương lai.
Trong buổi gặp mặt, Quận ủy đã trao tặng 5 suất quà trị giá 500.000 đồng/suất cho 5 thanh-thiếu niên tiến bộ nhất. Quận Đoàn cũng đã hỗ trợ các thanh-thiếu niên này mua xe đạp hoặc nộp học phí cho các em tại các cơ sở đào tạo nghề.
Chúng tôi có dịp gặp lại Lê Quốc Đạt (25 tuổi, trú K1/5 Đỗ Quang, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê). Sau 2 năm được các anh, chị đoàn viên phường Vĩnh Trung giúp đỡ, Đạt đã ra khỏi danh sách cần theo dõi. Hiện Đạt là công nhân của một tiệm cơ khí trên đường Hoàng Diệu. Trong ngôi nhà nhỏ được chính quyền phường Vĩnh Trung hỗ trợ xây dựng, bà Huỳnh Thị Liễu - mẹ của Đạt rơm rớm nước mắt: “Ngày trước, tôi héo mòn theo nó vì không khuyên bảo được. Có những lần nó đi cả tuần không về khiến tôi nghĩ quẩn. Hôm con về thông báo sẽ đi học nghề, tôi mừng không ngủ được. Tháng đầu tiên nó đi làm, cầm trên tay 1 triệu tiền lương nó đưa về mà tôi rơi nước mắt”.
Để có được thành quả như vậy, phải kể đến sự nỗ lực không ngừng của nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn quận Thanh Khê. Khác với sự xa cách của nhiều người, họ đã đến với những thanh-thiếu niên chậm tiến bằng chính tấm lòng để giúp các em tìm lại “con người tốt” của mình. Với kinh nghiệm cảm hóa 3 thiếu niên trên địa bàn, chị Trần Lê Bích Ngọc, Bí thư Đoàn phường Vĩnh Trung cho rằng, phần lớn các em thường né tránh cán bộ, nên người tiếp xúc phải có sự kiên trì để tìm cho được mong muốn thật sự của các em là gì, sau đó nghĩ cách giúp đỡ.
Anh Hồ Văn Dũng, Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê chia sẻ: “Để đạt được những kết quả như trên, ngoài sự tận tâm, nhiệt tình của đoàn viên, thanh niên cơ sở, Quận Đoàn đã luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo quận Thanh Khê”.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA