.

Gian nan làm lại cuộc đời

.

Với anh T.Đ.H. (48 tuổi, phường Thạch Thang, quận Hải Châu), đường về sau khi thoát khỏi vòng tay của “nàng tiên nâu” thật lắm gian nan.

Anh H. sống lương thiện bằng nghề cắt tóc, rời xa con đường nghiện ngập.
Anh H. sống lương thiện bằng nghề cắt tóc, rời xa con đường nghiện ngập.

Ảo mộng cần sa

Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông có nước da trắng, giọng nói nhỏ nhẹ và ít ai biết rằng đã có một thời H. vào trại cai nghiện. “Nhớ lại quá khứ, tôi không khỏi rùng mình. Sao lúc đó mình lại dại dột thế? Tuổi trẻ bồng bột mà...”, H. bộc bạch.

Là anh cả trong gia đình có 7 anh em, H. bỏ học ở nhà chạy chợ bỏ mối bán gia vị để phụ nuôi em ăn học. Những tưởng sẽ đi học nghề để kiếm tiền giúp gia đình, nhưng H. lại giao du với đám bạn xấu ở chợ rồi rủ nhau hút cần sa lúc nào không hay. Khi cha mẹ biết được và ra sức ngăn cản, H. cũng đã suy nghĩ rất nhiều và dặn lòng quyết tâm từ bỏ thứ hàng quyến rũ ghê người ấy. Song, H. nghiện mỗi lúc một nặng thêm, người lúc nào cũng lâng lâng sống trong ảo giác với tình dục và tiếng nhạc vũ trường, đồng thời tưởng tượng mình là một nhân vật quan trọng. Đêm đến, H. không ngủ mà thường đi lại lục lọi đồ đạc trong nhà. Đã có lúc H. không làm chủ được lời nói, hành vi... Thế rồi nhìn đàn em nheo nhóc, bố mẹ khổ sở nay lại thêm lo lắng vì mình, H. quyết định cai nghiện.

Không để thời gian rảnh rỗi, H. đi học cắt tóc và làm “thợ... đụng”, tức là đụng gì làm nấy. Hàng xóm thấy H. tu tỉnh nên cũng giúp một tay, người thì vận động người thân sang cắt tóc, người thì cho H. vay tiền để làm ăn... Dần dần, hình ảnh thằng nghiện trong mắt bà con xóm giềng không còn nữa mà là hình ảnh một thanh niên tu chí làm ăn.

Tuy nhiên, năm 2004, trong một lần đến chơi nhà một người bạn mới quen, H. bị Công an ập vào bắt cùng đám bạn và đưa đi trại cai nghiện. Thì ra người bạn của H. nghiện thuốc phiện mà anh không biết. Đợt được đưa lên Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 vào năm 2004, H. càng thấm thía hơn khi tiếp xúc với những “con nghiện” đang dằn vặt trong cơn đói thuốc.

Tích cực tuyên truyền phòng, chống ma túy

Từ trung tâm trở về, H. đã rất hối hận khi chỉ một phút sai lầm, không hiểu bạn mà phải đón nhận những ánh nhìn trách móc, ngạc nhiên, xa lánh của người thân, hàng xóm - những người từng giúp đỡ anh. Nhưng bằng sự cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, H. dần lấy lại lòng tin của mọi người. Anh còn xung phong vào đội tuyên truyền cai nghiện. Những ngày nắng cũng như mưa, dù không một đồng thù lao nhưng H. cũng lặn lội trong khắp các ngõ hẻm gặp gỡ các đối tượng nghiện để đưa bơm kim tiêm sạch miễn phí cho họ. Mới đầu những người này còn lẩn tránh hoặc bông đùa “mày để mà dùng”, sau đó hiểu ra và không ít người được H. cảm hóa, cai nghiện thành công.

Vợ H. chạy chợ nên thu nhập không ổn định, mọi chi phí sinh hoạt và học hành cho cậu con trai đang học lớp 7 chỉ trông chờ vào quán cắt tóc và số tiền hỗ trợ H. vừa được nhận cho việc tuyên truyền cai nghiện. H. khoe: “Tôi mới được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/tháng, cũng đỡ lắm, có tiền cho thằng nhỏ ăn học”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của phường Thạch Thang, cho biết: “Sau khi cai nghiện thành công, anh H. là người tích cực nhất trong việc cùng địa phương tuyên truyền phòng, chống ma túy. Chúng tôi cũng đã tạo điều kiện cho H. vay vốn mở rộng tiệm cắt tóc, nhưng hiện nay không có nguồn vốn riêng mà lồng ghép vào các chương trình của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... nên gặp không ít khó khăn”.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.