.
50 năm quan hệ Việt-Lào

Cầu nối với Nam Lào

TIN LIÊN QUAN

>>Bài 1: Nền tảng vững chắc

>>Bài 2: Liên minh chiến đấu

Những ngày cuối tháng 6 vừa qua, một ngôi trường dành cho học sinh cấp 2 của huyện Khongsedon (tỉnh Salavan - Lào) được khánh thành. Đây là một trong số ít trường cấp 2 khang trang của địa phương, gồm 1 khu giảng dạy 2 tầng với 10 phòng học, được trang bị đầy đủ bàn ghế mới, đẹp đẽ và đồng bộ. Điều đáng nói, đây là công trình trọn gói theo hình thức “chìa khóa trao tay” mà thành phố Đà Nẵng đã dành tặng cho các em thiếu niên nói riêng và cho ngành giáo dục của tỉnh Salavan nói chung; với tổng vốn đầu tư gần 7,6 tỷ đồng, chỉ hoàn thành sau 8 tháng thi công.

Ông Lê Văn Hùng, Trưởng Ban Quản lý dự án Nam Lào, Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý - BQL) cho biết, để thực hiện công trình có ý nghĩa nhân “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào” này, trên nội dung các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đà Nẵng với tỉnh Salavan đã được ký kết, BQL đã tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế của địa phương, từ đó đề xuất các phương án thực hiện để lãnh đạo 2 bên cũng như các ngành liên quan cho ý kiến, lựa chọn phương án hiệu quả nhất rồi tiến hành thi công. Để thực hiện đạt chất lượng về kỹ thuật, mỹ thuật, bảo đảm tiến độ..., BQL trực tiếp là nhà đầu tư, điều hành và mời đơn vị thi công từ Đà Nẵng sang. Nhờ đó, công trình hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, bàn giao trong niềm vui của cả 2 bên.

Có thể nói, Trường cấp 2 Salavane là một trong số những chương trình, dự án mà BQL đã triển khai có hiệu quả, đúng với yêu cầu của lãnh đạo thành phố trong việc thực hiện nội dung biên bản hợp tác giữa Đà Nẵng với 5 tỉnh Nam Lào (gồm Savanakhet, Champasak, Salavan, Sekong, Attapư). Bởi, trên thực tế, đã có nhiều dự án, chương trình mà Đà Nẵng triển khai từ rất sớm (năm 2002) nhằm giúp đỡ các địa phương của Nam Lào nhưng thật sự chất lượng, hiệu quả không như mong muốn. Điển hình, cuối năm 2008, khi đi kiểm tra thực tế hoạt động của Trung tâm tiếng Việt tại huyện Khanthabouly (tỉnh Savanakhet), Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh phát hiện ra trung tâm này nằm xa khu dân cư nên hoạt động không hiệu quả. Vì thế, lãnh đạo Đà Nẵng tư vấn phía địa phương bạn chọn địa điểm, đồng thời quyết định hỗ trợ 4,5 tỷ đồng xây dựng trung tâm mới tại thị xã Cayxỏn Phomvihản. Trung tâm này vừa khánh thành cách đây hơn 1 năm và được đánh giá hoạt động hiệu quả.

Thông qua chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ở 5 tỉnh Nam Lào đó, cũng như đánh giá thực tế hoạt động của các chương trình, dự án đã triển khai từ năm 2002 đến năm 2008, lãnh đạo thành phố quyết định thành lập BQL dự án Nam Lào (thuộc UBND thành phố Đà Nẵng) vào tháng 3-2009. BQL ra đời, chính là đầu mối thống nhất trong việc triển khai thực hiện các dự án, chương trình mà Đà Nẵng hợp tác, hỗ trợ cho các địa phương của Nam Lào trên cơ sở các biên bản ký kết của lãnh đạo các địa phương; từ đó khắc phục được hạn chế mà trước đây từng sở, ngành phụ trách nên tiến độ chậm trễ, chất lượng và hiệu quả thấp.

Ông Lê Văn Hùng cho hay, cùng với 9 cán bộ ở Đà Nẵng, BQL cũng đã có 2 cán bộ hoạt động tại văn phòng đóng ở thị xã Paksé, tỉnh Champasak để khảo sát, giám sát các chương trình, dự án đã, đang và sẽ triển khai ở cả 5 tỉnh. Nhờ sự thống nhất các đầu mối, nên việc triển khai thực hiện được thông suốt, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong các công đoạn của chương trình, dự án; hiệu quả các dự án được nâng lên nhờ sự giám sát, hỗ trợ kịp thời, chặt chẽ...

Với hiệu quả hoạt động của mình, BQL dự án Nam Lào đang ngày càng trở thành “cầu nối” quan trọng trong hợp tác, hỗ trợ giữa Đà Nẵng với Nam Lào nói riêng, góp phần vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung.

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.