.
Biên giới, lãnh thổ

MỘT SỐ TƯ LIỆU LỊCH SỬ, PHÁP LÝ VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI 2 QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, TRƯỜNG SA (Tiếp theo)

Trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (thế kỷ XVII):  “Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa Đại Chiêm(16) đến cửa Sa Vinh(17) mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy, ... có gió Đông Bắc thì thương thuyền đi ở phía ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả, hàng hóa thì đều để lại ở nơi đó”.(18)

“Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa  đông  đưa 18 chiếc thuyền  đến (Bãi Cát Vàng) lấy hóa vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”.

Đại Nam thực lục tiền biên, bộ sử về chúa Nguyễn do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn xong năm 1844, có đoạn viết:

“Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài biển, có hơn 130 bãi cát, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích v.v...”.

“Hồi đầu dựng nước, đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm đến tháng 3 đi thuyền ra đảo, độ ba ngày đêm thì đến, thu lượm hóa vật, đến tháng 8 trở về nộp. Lại có đội Bắc Hải mộ dân ở phường Tứ Chính ở Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh đi thuyền ra các vùng Bắc Hải, Côn Lôn thu lượm hóa vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản”.

Theo Đại Nam thực lục chính biên, là bộ sử ký do Quốc sử quán triều đình nhà Nguyễn soạn, viết về các đời vua nhà Nguyễn. Phần viết về các đời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị được soạn xong năm 1848, ghi sự kiện Gia Long chiếm hữu các  đảo Hoàng Sa năm 1816, sự kiện Minh Mệnh cho xây miếu, dựng bia trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo này. (19)

(Còn nữa)

(16) Cửa Đại Chiêm nay là cửa Đại, thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
(17) Cửa Sa Vinh nay là cửa Sa Huỳnh, thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
(18) Bãi Cát Vàng từ lâu là một khu vực có nhiều đá ngầm nguy hiểm ở Biển Đông.  
 (19) Kỷ thứ 2, quyển 122. 20.

;
.
.
.
.
.