Trên màn hình máy tính bất ngờ xuất hiện một dãy số từ màu xanh chuyển sang màu vàng nhấp nháy. Ngay lập tức, nhân viên trực mạng cầm điện thoại lên: “Alô! xe 43X... đã chạy quá tốc độ quy định, yêu cầu giảm vận tốc về mức dưới 40km/giờ”. Chưa đầy một phút sau, trên màn hình dãy số màu vàng chuyển sang màu xanh. Ông Lê Trường Kỷ, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và đầu tư Đà Nẵng (DINCO) giải thích: “Nhờ gắn hộp đen (thiết bị giám sát hành trình - PV) mà vừa rồi xe 43X... chạy quá tốc độ quy định đã bị nhân viên mạng phát hiện và yêu cầu giảm tốc độ ngay lập tức, dĩ nhiên tài xế sẽ bị trừ điểm trong tháng này”. Theo ông Kỷ, việc lắp hộp đen mang lại nhiều cái lợi như quản lý chặt tài xế hoạt động trên đường, quản lý được lộ trình xe chạy nên biết được mức tiêu hao nhiên liệu... Đặc biệt là giúp tài xế làm chủ tốc độ để tránh TNGT xảy ra. Tại thời điểm hiện nay, gần 100% doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn đã hoàn thành lắp đặt hộp đen và đưa vào vận hành.
Xe container nằm trong nhóm bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình. |
Đại diện một doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng container từ Cảng Đà Nẵng đến các tỉnh, thành khu vực miền Trung khẳng định, việc lắp đặt hộp đen đem lại nhiều cái lợi nên hầu hết đều ủng hộ. Đặc biệt, giải quyết cùng lúc hai vướng mắc lâu nay. Thứ nhất là làm sao giảm thiểu TNGT và giải quyết “hậu” TNGT; thứ hai là việc khoán nhiên liệu trở nên đơn giản và chính xác. Lúc đầu cánh tài xế không mấy thích thú, nhưng dần dần họ cũng nhận ra đây là xu hướng bắt buộc nên cũng hợp tác tốt hơn.
Còn theo ông Bùi Thanh Thiện, Trưởng phòng Vận tải và phương tiện Sở GTVT, Đà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ các phương tiện gắn hộp đen. Tính đến cuối tháng 6-2012, đã có 802/981 ô-tô chở khách lắp đặt hộp đen, đạt 81,75% và có 768/875 ô-tô vận tải hàng hóa lắp đặt hộp đen, đạt 87,77%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vận tải như Bình Vinh, Minh Toàn, Thịnh Phát... có nhiều ô-tô tải không nằm trong diện phải lắp đặt hộp đen nhưng vẫn lắp đặt cho tất cả ô-tô của doanh nghiệp mình. Có được kết quả này là nhờ Sở GTVT đã làm tốt công tác tuyên truyền cho các đơn vị vận tải thấy được cái lợi trong việc lắp đặt hộp đen thông qua việc phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị tổ chức hội thảo giới thiệu về tính năng của hộp đen cũng như lợi ích nó mang lại. Các đơn vị của ngành giao thông đã làm tốt trách nhiệm của mình, như Bến xe Trung tâm chỉ bố trí cho các xe bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, có gắn hộp đen thì mới lên lịch chạy. Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới cũng chỉ cấp giấy chứng nhận nếu xe nào trong diện phải gắn hộp đen có gắn hộp đen. Sở GTVT cũng chỉ cấp giấy phép hoạt động với những xe có gắn hộp đen đúng quy định.
Mặc dù vậy, cũng có không ít trường hợp, nhất là các đơn vị vận tải nhỏ vẫn tỏ ra thờ ơ và đối phó với việc này. Theo ông P.V.B, chủ doanh nghiệp vận tải hành khách có 2 xe loại 14 chỗ ngồi: “Đang lúc khó khăn như hiện nay mà đầu tư thêm vài chục triệu để gắn hộp đen là khó quá. Hơn nữa, chúng tôi cần gì quản lý kiểu đó, vì một chiếc do con trai chạy, chiếc còn lại là con rể, gia đình hết mà cần chi hộp đen”. Cũng có không ít đơn vị còn băn khoăn về chất lượng các loại hộp đen nên vẫn chần chừ lắp đặt. Theo như ông Đinh Văn Ba, Giám đốc Công ty CP Vận tải và dịch vụ thương mại Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã lắp đặt hộp đen cho 62 xe, trong quá trình vận hành, mới có 40 chiếc cung cấp đầy đủ các thông số về máy chủ như tốc độ, lộ trình, thời gian làm việc của tài xế... Còn lại phải nhờ nhà cung cấp thiết bị chỉnh sửa tiếp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng lúng túng không biết chọn thiết bị loại gì vì hiện nay trên thị trường Đà Nẵng xuất hiện không ít đơn vị tiếp thị hộp đen theo kiểu nói xấu lẫn nhau.
Những trục trặc trong thời gian đầu gắn hộp đen là khó tránh khỏi, tuy nhiên, khi tất cả phương tiện đều được lắp đặt và quản lý một cách chặt chẽ, hy vọng tình hình hoạt động vận tải sẽ dần đi vào nền nếp, đặc biệt là giảm thiểu TNGT.
Bài và ảnh: THANH VÂN