.
Biên giới, lãnh thổ

QUÁ TRÌNH XÁC LẬP CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

(Tiếp theo)

Hai trích dẫn trên đây cho thấy việc khai thác quần đảo Hoàng Sa (và quần đảo Trường Sa) của Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải kéo dài từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII. Hoạt động của hai đội này được tổ chức có hệ thống, mỗi năm đều ra đảo 8 tháng. Các thủy thủ do nhà nước tuyển dụng, hưởng bổng lộc của nhà nước, giấy phép và lệnh ra đảo do nhà nước cấp.

Một người Trung Quốc là Thích Đại Sán, đến Đàng Trong cuối thế kỷ XVII, đã góp phần khẳng định tính xác thực của việc chúa Nguyễn đã cử người ra Hoàng Sa, mà ông gọi là Vạn Lý Trường Sa, để khai thác hải vật từ các tàu đắm. Trong cuốn Hải ngoại kỷ sự (viết vào năm 1696), Thích Đại Sán viết: “Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn Lý Trường Sa, mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa. Nếu thuyền bị trái gió, trái nước tấp vào, dầu không tan nát, cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi... Quảng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đi đánh cá dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền lui tấp vào. Mùa thu nước dâng cạn, chảy rút về hướng Đông, bị một ngọn sóng đưa thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm; sức gió chẳng mạnh, sợ có hiểm họa Trường Sa”. (1)

Tương quan với tài liệu của Việt Nam về hoạt động của Đội Hoàng Sa, có thể nói, những gì Thích Đại Sán viết là hoàn toàn phù hợp, khách quan ghi nhận chủ quyền của Đại Việt đối với quần đảo Hoàng Sa.

Các bộ sử được biên soạn vào thời Nguyễn như Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Việt địa dư chí… đều có đoạn ghi việc các chúa Nguyễn tổ chức khai thác quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và cả các đảo khác như: Lập Đội Thanh Châu phụ trách các đảo ngoài khơi Quy Nhơn lấy tổ chim yến; lập Đội Hải Môn hoạt động ở các đảo ngoài khơi Bình Thuận như đảo Phú Quý; lập Đội Bắc Hải trực thuộc Đội Hoàng Sa nhưng phụ trách các đảo xa ở phía nam biển Đông, gồm quần đảo Trường Sa, đảo Côn Lôn và các đảo nằm trong vùng vịnh Thái Lan thuộc chủ quyền của Việt Nam. (2)

(Còn nữa)


(1) dẫn theo: Nguyễn Nhã. Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Luận án tiến sĩ. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 2002, tr. 47.

(2) Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bộ phận lãnh thổ của Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr. 13-14.

;
.
.
.
.
.