Ngày 22-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tổ chức phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh theo hình thức truyền hình trực tuyến từ trụ sở QH đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự có Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan...
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh trả lời các câu hỏi liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải pháp tổng thể để giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ việc liên quan đến đất đai; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng; hiệu quả hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra.
Điểm cầu tại Đà Nẵng. Ảnh: Đ.LƯƠNG |
Xử lý chưa đến nơi đến chốn
Trả lời chất vấn về nguyên nhân dẫn đến vi phạm tại các tập đoàn kinh tế, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết, có 5 nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm là: Việc quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại các tập đoàn yếu kém, gây lãng phí, thất thoát vốn; một số tập đoàn đầu tư dàn trải, tăng vốn nhiều lần, sức đầu tư tăng cao chưa đúng với quy định của Nhà nước; đầu tư ngoài ngành vượt quy định cho phép, hiệu quả không cao; bộ phận kế toán, kiểm toán của một số tập đoàn thiếu chính xác; công tác quản trị doanh nghiệp chưa tốt, nhất là khâu kiểm tra, giám sát nội bộ không chặt chẽ, thậm chí một số vụ việc cố ý làm trái, gây thất thoát lớn. Đối với vấn đề né tránh, ngại va chạm trong quá trình thanh tra, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng, mục đích thanh tra là tìm ra những mặt được và chưa được của đối tượng thanh tra để điều chỉnh sai phạm, thiếu sót. Trong quá trình thanh tra, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chúng tôi làm việc với các cơ quan liên quan để điều tra. Ông Tranh thừa nhận khuyết điểm phát hiện vi phạm chưa đến nơi đến chốn và sẽ tiếp tục khắc phục bằng cách phối hợp chặt chẽ với cơ quan tố tụng để điều tra, xét xử theo quy định của pháp luật. Ông Tranh cũng khẳng định, tuy quá trình thanh tra còn chậm do tham khảo ý kiến của nhiều bộ, ngành có liên quan nhưng không ngại va chạm.
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Tấn, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Nghệ An về vấn đề nguyên nhân gia tăng các vụ khiếu nại kéo dài, Tổng TTCP cho rằng, nguyên nhân là do một số vụ việc giải quyết chưa đến nơi đến chốn và trách nhiệm này thuộc về các cấp, các ngành, trong đó có TTCP. TTCP đã thấy được điều này và tiến hành phối hợp tổ chức hội nghị sơ kết tại 3 khu vực để tổng hợp đánh giá tình hình chung về khiếu nại của công dân. Từ đó, tập trung đưa ra các giải pháp thực hiện để giải quyết khiếu nại trong thời gian tới. Trong các vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài thì khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tới hơn 70%. Qua rà soát tại 63 tỉnh, thành phố trong năm 2011, còn 528 vụ việc phức tạp kéo dài và TTCP sẽ đề nghị Chính phủ cho chủ trương thực hiện giải quyết những vụ tồn đọng kéo dài. Trong thời gian tới, TTCP sẽ cùng với các bộ, ngành lập 25 tổ công tác đến 51 tỉnh, thành phố giải quyết dứt điểm những vụ bức xúc, căng thẳng kéo dài, đồng thời đề nghị các cấp, các ngành giải quyết khiếu nại đến nơi đến chốn; tăng cường tuyên truyền Luật Khiếu nại, tố cáo để người dân được rõ, tránh khiếu nại vượt cấp, sai luật.
Các bộ có trách nhiệm gì trong vụ Vinalines?
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH về việc căn cứ để TTCP loại bỏ trách nhiệm của các bộ ra khỏi kết luận thanh tra Vinalines, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh giải thích, sau khi kết luận trách nhiệm với lãnh đạo Vinalines, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng xem xét ba bộ: Bộ Giao thông vận tải xem xét các quy định về mua tàu vận tải; Bộ Nội vụ xem xét việc bổ nhiệm cán bộ; Bộ Tài chính xem xét các vấn đề về quản lý vốn, tài sản Nhà nước trong tập đoàn. Như vậy chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, đánh giá trách nhiệm các bộ, ngành có liên quan. Do hoạt động của các đơn vị lớn nên không thể thanh tra toàn bộ mà chỉ tập trung một số vấn đề cụ thể.
Về trách nhiệm của TTCP trong vụ bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng mà theo bà Nga là lúc bổ nhiệm chưa thanh tra xong và lúc ông Dũng nhận công tác mới thì TTCP vẫn còn làm việc với Vinalines về kết luận thanh tra, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng, chúng tôi thanh tra theo quy định của pháp luật. Chúng tôi không có trách nhiệm quản lý cán bộ. Khi ông Dương Chí Dũng thuyên chuyển công tác là chưa phát hiện thất thoát vốn tại tập đoàn. Ông Tranh cũng nói rằng: “Trong thực hiện thanh tra các tập đoàn, thông thường chúng tôi thanh tra việc chấp hành pháp luật ở các đơn vị trực tiếp, còn trách nhiệm liên quan đối với các cơ quan khác thì chúng tôi kiến nghị cơ quan thẩm quyền xem xét, lâu nay thông lệ vẫn vậy”. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Nga đã không đồng tình với trả lời của Tổng Thanh tra và cho rằng: “Xác định trách nhiệm theo luật chứ không xác định trách nhiệm theo thông lệ. Vừa rồi sửa đổi Luật Thanh tra đã quy định rất rõ trách nhiệm. Ở đây có trách nhiệm của người vi phạm, phải phân biệt với trách nhiệm người có thẩm quyền”.
Tính từ năm 2008 đến hết năm 2011, ngành Thanh tra tiến hành 41.506 cuộc thanh tra hành chính, 211.241 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện có 603.074 tổ chức, cá nhân sai phạm, tổng giá trị vi phạm về kinh tế phát hiện được là 64.326 tỷ đồng. Từ giữa tháng 2-2012 đến tháng 5-2012, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân gia tăng về số lượt người, số đoàn đông người và tính chất, mức độ gay gắt hơn. Nội dung khiếu nại về đất đai chiếm trên 70%, trong đó phần lớn là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp 92.853 lượt người đến KNTC; có 974 đoàn đông người. Đối với các dự án sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, qua thanh tra, TTCP đã phát hiện khuyết điểm, vi phạm, kiến nghị thu hồi gần 3.930 tỷ đồng (đã thu hồi 2.137 tỷ đồng); kiến nghị loại khỏi giá trị quyết toán và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 29.844 tỷ đồng (đã xử lý 17.079 tỷ đồng); chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 3 vụ việc. (Nguồn: Thanh tra Chính phủ) |
ĐOÀN LƯƠNG