.

Chuyến vào bờ lịch sử

.

(ĐNĐT) - 5 giờ sáng ngày 25-8-2012, khi bình minh vừa hé rạng là lúc các chiến sĩ bộ đội biên phòng, lực lượng dân quân, các hội, đoàn thể chính quyền quận Liên Chiểu, náo nức cùng với người dân thôn Hòa Vân thu xếp đồ đạc chuẩn bị vào bờ.

Bộ đội Biên phòng giúp bà con lên tàu  về nơi ở mới.
Bộ đội Biên phòng giúp bà con lên tàu về nơi ở mới.

Hòa nhập cộng đồng

Đã bao lần ra làng Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) nhưng hôm nay có một cảm giác thật đặc biệt đối với chúng tôi, bởi theo như lời Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị: “Liên Chiểu đã tổ chức nhiều cuộc di dân, nhưng đây là một cuộc di dân có ý nghĩa lịch sử. Người dân Hòa Vân là những người bệnh phong một thời bị định kiến phải sống tách biệt với cộng đồng. Nay họ trở về cuộc sống bình thường trong môi trường yêu thương thân ái, chia sẻ của cả cộng đồng".

Không phải chờ đến tận bây giờ người làng Vân mới vào bờ theo đúng nghĩa. Những khát khao cháy bỏng trong tâm can của những con người từng gắn bó với vùng rừng núi hoang sơ, bên chân đèo Hải Vân quan hùng vĩ ấy đã được thắp sáng từ cả chục năm trước. Ấy là khi các thế hệ con cái của người làng Vân đã rời cái eo biển xinh đẹp để vào thành phố trọ học, đi làm và cả xuất ngoại lao động. Đây chính là ước mơ được hòa nhập của nhiều người mang “án” bệnh nhưng không hề bị bệnh ở làng Vân.

Ông Nguyễn Tấn Xử, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, từng tâm sự: “Lâu nay, cuộc sống dù còn khốn khó, nhưng họ vẫn đưa con cái vào đất liền sống thành đạt. Tính đến nay đã có ít nhất 20 con em của họ là cử nhân, kỹ sư, trên đại học và kể cả những người chưa học cao cũng đều có công ăn việc làm ổn định”. 

Trước giờ vào bờ, từ đêm hôm trước, đã có bữa tiệc nho nhỏ được tổ chức tại “ốc đảo” Hòa Vân, gọi là để chia tay mảnh đất gắn bó với nhiều thế hệ người làng Vân sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Phú không giấu được nỗi niềm khi chúng tôi hỏi đến tâm trạng: “Đi thì đi chứ nhớ ở đây lắm, nhớ từ cái cây, nhớ từng đám ruộng, nhất là thấy tiếc tiếc mấy cây mãng cầu, nhãn, chừ tới hồi cho ăn trái mà mình lại đi thì uổng lắm. Cảnh ngoài ni đẹp khi đi cũng thấy bùi ngùi lắm chú ơi…”. Ở tuổi 80, bà vẫn xung phong lên sân khấu để hát bài ca về người anh hùng đất Quảng để tạm biệt vùng đất bà từng gắn bó.

Sau nửa giờ đồng hồ, tàu đã cập bến trong sự hênh hoan đón chào của người dân và chính quyền địa phương
Sau nửa giờ đồng hồ, tàu đã cập bến trong sự hênh hoan đón chào của người dân và chính quyền địa phương

Ngồi trên chiếc thuyền của Bộ đội biên phòng thành phố, dù không bộc lộ cảm xúc đến mức rơi nước mắt, nhưng đối với bác Trần Đây (61 tuổi), sinh sống ở làng Vân từ năm 1972, thì sự ra đi lần này mang theo cả những lo lắng nhỏ nhất.

 
Liên Chiểu đã tổ chức nhiều cuộc di dân, nhưng đây là một cuộc di dân có ý nghĩa lịch sử. Người dân Hòa Vân là những người bệnh phong một thời bị định kiến phải sống tách biệt với cộng đồng. Nay họ trở về cuộc sống bình thường trong môi trường yêu thương thân ái, chia sẻ của cả cộng đồng
 
Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị

“Nói đi mà không nhớ là không đúng. Chú thấy đó, ở nhà liền kề khoảng sân ngắn, có muốn trồng chút rau ăn cũng không thể. Rồi thì về đây, bao nhiêu thứ phải lo. Ở tuổi này rồi sức khỏe yếu, không biết làm được chi nữa không? Với lại, vô trong ni phải lo tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền rác…”.

Ai cũng hiểu, đó là nỗi lo thường trực của những người vốn chẳng sử dụng mấy các dịch vụ tiện ích của đời sống vật chất. So với nơi ở cũ dù thiếu thốn, nhưng ít nhất người dân vẫn tự túc, tự cấp được nhiều thứ.

Trong chuyến tàu bồng bềnh giữa sóng biển, ánh mắt của nhiều người dân toát lên vẻ quyến luyến, nhớ tiếc. Họ mang theo rất nhiều đồ đạc, có thể không mang giá trị lớn về vật chất, song nhìn vào ai cũng hiểu đó là một phần kỷ niệm của người làng Vân.

Đó chỉ là những bức hình phong cảnh, những di ảnh của người đã quá cố, những vật dụng tủ, giường, chiếu, xô chậu và cả những chú chim, con ốc – sản vật của núi, biển Hòa Vân.

Thiếu tá Hồ Bách Chiến, Bộ đội biên phòng thành phố, dường như hiểu được suy nghĩ của người dân đã nói rằng: Nếu chỉ là những người bình thường ở nơi khác đến định cư sau thì khi đi, họ cũng không quá trăn trở. Nhưng đây là những người đầu tiên đến khai hoang mảnh đất này, họ xây dựng cơ sở thôn làng từ những cái nhỏ nhất gắn với cuộc sống lâu bền chứ không chỉ dựng nhà sinh sống. Do vậy, cảm xúc, tâm tư của người dân khó diễn tả hết.

Chính quyền luôn sát cách cùng bà con

Gói ghém cẩn thẩn những túi đồ đạc lớn nhỏ của người dân, lực lượng đoàn viên thanh niên 5 phường của quận Liên Chiểu khẩn trương vận chuyển vào bờ. Lau những giọt mồ hôi trên trán, anh Bùi Đình Vũ, Bí thư Đoàn phường Hòa Hiệp Nam, nói: “Mấy ngày đêm cùng với bà con ở ngoài đó dọn dẹp và trò chuyện, dù mệt nhưng các đoàn viên rất vui mình đã làm được nhiều việc có ý nghĩa. Sau này, người làng Vân đã ổn định cuộc sống ở nhà liền kề, thì lực lượng thanh niên vẫn xung phong có mặt ngay khi người dân cần giúp đỡ”.   

Sau khi về đến nơi ở mới, Phó Chủ tịch TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã đến từng nhà dân thăm hỏi và chúc mừng
 Sau khi về đến nơi ở mới, Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết (thứ hai từ trái) và Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Phan Văn Tâm (thứ ba từ trái) đã đến từng nhà dân thăm hỏi và chúc mừng.

Vậy là sau bao ngày thực hiện công tác tuyên truyền, vận động từng người dân, tất cả đã đồng ý lên bờ chuẩn bị tinh thần cho một tương lai mới tốt đẹp hơn.

Đúng 9 giờ sáng, 37 hộ dân vừa đặt chân đến nơi ở mới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cùng lãnh đạo quận Liên Chiểu đã đến từng nhà thăm hỏi và chúc mừng bà con.

“Bà con về nơi ở mới, nếu gặp khó khăn gì hãy báo cho chính quyền địa phương để được giúp đỡ. Chúng tôi luôn sát cách cùng bà con”, ông Phan Văn Tâm, Bí thư quận ủy quận Liên Chiểu, động viên.

Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị cũng phấn khởi nói: "Bà con về nơi ở mới chính quyền sẽ yên tâm, chứ ở ngoài kia mỗi lần mưa bão, trong đất liền “nóng ruột”, lo lắng cho bà con lắm. Đối với những người còn sức lao động, chính quyền địa phương sẽ bố trí việc làm với mức thu nhập ổn định. Từ thực tế mà bà con băn khoăn, quận sẽ ghi nhận và báo cáo với thành phố để có hướng giải quyết cụ thể".

Cũng trong buổi lễ về nhà mới, nhiều người đã ôm nhau khóc trong niềm vui xen lẫn sự xúc động. Ông Trần Ngọc Lạc (dãy nhà D) đã thốt lên: “Ôi, nhà đẹp quá! Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới. Thế ông chủ tịch quận ơi, nếu sau này hai vợ chồng tôi mất thì tài sản này có còn của gia tình tôi không?”. “Căn nhà này đã thuộc quyền sở hữu của bác rồi, con cái bác được quyền thừa kế, sử dụng...”, ông Dương Thành Thị trả lời:.

Khu tái đinh cư mới của người làng Vân khang trang và sạch sẽ
Ước mơ được hòa nhập cộng đồng của người dân làng Vân giờ đây đã trở thành hiện thực

Trong suốt quãng thời gian gần gũi với hàng chục hộ dân, chúng tôi cảm nhận được sự hồ hởi đến ngạc nhiên của người dân. Quá trình chuyển đồ đạc vào nhà mới, họ vẫn không tin mình được sở hữu những căn nhà khang trang, ấm cúng. Hầu hết người dân đều vui vẻ, mãn nguyện trước sự chăm lo của chính quyền thành phố.

Một người dân đã thổ lộ rất thật: “Được thành phố quan tâm như vậy, chúng tôi cũng sẵn sàng chấp hành nghiêm túc chủ trương của nhà nước để di dời. Mà thực ra, chúng tôi cũng có đi đâu xa khỏi mảnh đất yêu thương đó đâu. Nếu khi nào nhớ thì đứng ở nhà liền kề chúng tôi lại nhìn về làng Vân mà…”.

Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.