Dòng sông Hàn mang phù sa và nước ngọt nuôi sống con người, nhưng nó cũng là trở ngại cho quá trình giao thương, sinh sống khiến cho kinh tế phía Đông thành phố trở nên đìu hiu, xơ xác. Những khu nhà chồ nhếch nhác trở thành nỗi ám ảnh đối với ai đã từng sống hay đến thăm Sơn Trà trước đây. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh, quyết tâm, đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng nói chung, quận Sơn Trà nói riêng, tất cả đã lùi vào quá khứ, nhường chỗ cho sự phát triển, nhanh chóng đưa “Quận 3” đạt tầm vóc một đô thị văn minh, hiện đại...
Những con đường mới thênh thang không chỉ là niềm tự hào mà còn là bàn đạp giúp quận Sơn Trà phát triển du lịch-dịch vụ, công nghiệp và thủy sản. Trong ảnh: Đường Hoàng Sa. |
Ký ức từ những khu nhà ổ chuột
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian ở nhà chồ (nhà dựng tạm ven sông), vợ chồng ông Mai Đăng Cúc nghĩ ngay đến thân thể tím tái của người con trai thứ suýt chết đuối do sẩy chân rơi xuống sông. “Nếu không nhờ hàng xóm tri hô thì chỉ chậm chút nữa là chúng tôi mất con, điều này đến nay vẫn còn ám ảnh tôi cũng như những người làm cha, làm mẹ trong xóm nhà chồ khi cứ đôi ba tháng, cả xóm lại chịu một cái tang thương tâm của trẻ nhỏ, có cháu chỉ vừa đến tuổi lẫy, bò... Thương và xót con lắm nhưng mọi người đều phải chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác. Cha mẹ đi biển, ở nhà đứa lớn trông đứa bé, trẻ nhỏ hiếu động, vô tư, nhà cửa lại giữa mênh mông sông nước nên việc rơi và chết đuối là không thể tránh khỏi”, ông Cúc nhớ lại.
Nhiều người ở xóm chồ ngày ấy vẫn không sao quên được cảm giác hãi hùng khi bão đến. Nhà được làm bằng phên, tôn, gỗ và bằng tất cả những gì có thể gác vào nhau cứ rung rinh, lay lắt như đèn trước gió. Mỗi lần bão đến, gió hun hút thổi, mưa nặng nề xối xả tuôn khiến vợ chồng, con cái xóm nhà chồ chỉ biết co cụm vừa an ủi nhau, vừa cầu trời khấn phật đừng để bão đánh sập “căn nhà” bốn bề là gió, bên dưới mênh mông là nước của mình.
Ông Huỳnh Văn Đầm chia sẻ, ngày đấy tất cả 6 người trong gia đình ông cùng chen chúc nhau trong diện tích 50m2, đã vậy còn ngăn đôi để... nuôi heo. Người, heo và chuột cứ sống bên nhau như điều hiển nhiên phải thế. Toàn bộ chất thải của người và heo đều xả trực tiếp xuống sông Hàn, khi nước sông mang chất thải đi rồi thì người dân xóm chồ lại lội ra đấy để tắm, giặt. Bởi, giếng nước ngọt nằm cách xa xóm và nguồn nước ít ỏi đó chỉ được ưu tiên cho việc ăn uống. Ông Đầm kể lại cảm giác xót xa khi tiễn con gái đi lấy chồng, gia đình thông gia không vào nhà ông một phần vì không đủ chỗ để đứng và một phần vì không ai dám “bò” qua cây cầu khỉ lắt lẻo dài 30m để có thể vào nhà. Lúc đấy, nhìn lên bờ ông lại ước ao có một khoảnh đất để có thể dựng nhà, cưới chồng cho con. Bờ gần là vậy mà bao đời, bao thế hệ người dân xóm nhà chồ vẫn không thực hiện được, cho đến ngày...
Ngày 24-12-2004, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đưa 118 hộ nhà chồ đầu tiên lên bờ, bắt đầu cuộc sống hoàn toàn mới với nhà kiên cố, khang trang, sạch sẽ, đường bê-tông thẳng tắp, điện, nước ngay trong nhà... Nhắc lại thời khắc “lịch sử” này, ông Lê Quang Trạng vẫn xúc động: “Cảm giác lúc ấy rất tuyệt vời, cuộc đời như sang một trang mới khi không còn thói quen giật mình giữa đêm tìm con vì nghe tiếng rơi dưới sông, không còn phải bồng bế dắt díu nhau đi tìm nơi tránh bão, không còn sống với mùi xú uế nồng nặc bốc lên trong những ngày nắng... Và từ ngày đó tôi càng thấm thía câu “An cư lạc nghiệp” khi vợ chồng yên tâm đi đánh bắt cá, con cái đạp xe đi học mà không phải leo qua cây cầu khỉ... Kinh tế gia đình nhờ thế mà đi lên trông thấy”.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng là bàn đạp để Sơn Trà phát triển
Dự án xóa nhà chồ Nại Hiên Đông chỉ là một trong số hàng loạt những dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn quận Sơn Trà trong vòng 15 năm qua. Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà cho biết: Ngay từ những ngày đầu thành lập, lãnh đạo thành phố cùng với lãnh đạo quận đã đặt vấn đề làm sao để Sơn Trà sớm cất cánh đi lên. Và lời giải cho bài toán phát triển này là đầu tư cho công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở đồng bộ, tạo đà để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh và lợi thế so sánh của quận. Đến nay, phải thừa nhận rằng, những thành tựu đạt được trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở trong 15 năm qua là dấu ấn rõ nét nhất trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Sơn Trà.
Trên cơ sở tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, thành phố và phát huy nội lực từ nguồn vốn đóng góp của toàn dân, đến nay, Sơn Trà đã triển khai thực hiện 149 dự án, trong đó có 91 dự án đã hoàn thành, 28 dự án đang triển khai. Các dự án đã góp phần nhanh chóng cải tạo diện mạo quận Sơn Trà từ “nhà không số, phố không tên” trở thành khu đô thị mới khang trang, sạch đẹp và văn minh như hôm nay. Năm 1997 trở về trước, hầu hết các đường trong khu dân cư đều là đường đất cát và đá dăm, không có hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng. Đến nay, nhất là từ năm 2000 khi cầu Sông Hàn hoàn thành đưa vào sử dụng, quá trình quy hoạch, chỉnh trang được tăng tốc, trong đó hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch hoàn thành như: đường Trần Hưng Đạo, đường Ngô Quyền mở rộng trong trục Hành lang kinh tế Đông-Tây, đường Hoàng Sa-Trường Sa, đường Phạm Văn Đồng, đường tránh Ngô Quyền, Yết Kiêu..., cầu Thuận Phước nối quận Hải Châu với Thọ Quang-Sơn Trà. Hàng loạt dự án phát triển kinh tế-du lịch, dân sinh như nâng cấp, mở rộng Cảng Tiên Sa, đường bao quanh và các dự án du lịch sinh thái tại bán đảo Sơn Trà, âu thuyền Thọ Quang, Khu công nghiệp-dịch vụ thủy sản Thọ Quang; hàng chục công trình giáo dục, y tế, khu vui chơi, chợ và sự hình thành các khu dân cư mới Mân Thái, Phước Mỹ, An Hải Bắc, Thọ Quang... đã tạo cho Sơn Trà một tư thế mới, động lực mới, mở ra các khả năng phát triển lớn lao về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tạo thế liên hoàn vững mạnh về an ninh-quốc phòng.
Sự phát triển nhanh chóng và vững vàng của Sơn Trà khiến người dân thành phố và đặc biệt là những người con Sơn Trà xa xứ, nay trở lại quê hương không khỏi ngạc nhiên đến thán phục. Chị Huỳnh Ngọc Thuận (36 tuổi, đang sinh sống và công tác tại thành phố Hồ Chí Minh) tâm sự: “Ngày đi học tôi vẫn rất tự ti với bạn bè vì “Con gái quận 3 không bằng bà già quận 1” nhưng giờ đây, mọi chuyện đã khác. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng của quê nhà. Với những gì đã làm được, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của thành phố, sự đồng lòng, quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân toàn quận, tôi tin rằng Sơn Trà sẽ viết tiếp những trang sử mới vẻ vang trong lịch sử hình thành và phát triển của mình”.
Bài và ảnh: MAI TRANG