.

Cần tạo thói quen về giám sát và phản biện xã hội

Tại Hội thảo nâng cao năng lực giám sát và phản biện xã hội (GS&PBXH) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố vừa tổ chức đã đặt vấn đề: Muốn khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, tệ quan liêu, tham nhũng và nhiều tiêu cực khác trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cần phải phát huy mạnh mẽ dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp. GS&PBXH là một công cụ hiệu hữu để phát huy dân chủ trực tiếp.

Hội thảo xác định: Quá trình phấn đấu để đạt một nền dân chủ đáp ứng yêu cầu của nhân dân ta là một quá trình huy động sự đóng góp của mọi người mà GS&PBXH được xem là một giải pháp có tác dụng tích cực, nhằm củng cố nền móng vững chắc cho sự đoàn kết và đồng thuận xã hội trên cơ sở nâng cao dân trí, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Từ góc độ lãnh đạo, quản lý, nếu làm tốt GS&PBXH một cách có tổ chức thì sẽ góp phần vào việc ổn định xã hội và thúc đẩy xã hội phát triển. Ngược lại nếu xem nhẹ hoặc né tránh những hoạt động này sẽ dẫn đến hành động tự phát. Các thế lực xấu sẽ lợi dụng gây nên xáo trộn ảnh hưởng đến sự ổn định trật tự xã hội và phát triển của đất nước.

" Mục đích cuối cùng của phản biện xã hội là tạo sự đồng thuận trong xã hội, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân "

Mục đích giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên là nhằm đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống. Từ đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ngày càng trong sạch vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Mục đích phản biện của Mặt trận và các tổ chức thành viên là nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc tham gia xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm cho chủ trương, chính sách, pháp luật ban hành sát với thực tiễn của đời sống xã hội, có tính khả thi cao; bảo đảm mọi chủ trương, đường lối, chính sách đều xuất phát từ cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước, đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân vừa tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Hội thảo nhận định GS&PBXH là vấn đề mới mẻ, chưa trở thành thói quen phổ cập trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong xã hội ta như: Văn hóa tranh luận, thói quen lắng nghe, nhất là lắng nghe ý kiến trái ngược, thói quen công khai minh bạch, thói quen dám hỏi thẳng, bản lĩnh bảo vệ lẽ phải và bảo vệ người dám nói thẳng... Do đó, quá trình thực thi GS&PBXH cần gắn liền với quá trình nâng cao dân trí, tạo lập những tập quán làm nền tảng hỗ trợ thiết thực cho hoạt động này.

Phản biện xã hội mới dừng ở quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chưa có quy định mang tính pháp lý rõ ràng. Vì vậy, cần phải cụ thể hóa vào Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và pháp luật liên quan nhằm tạo ra hành lang pháp lý bằng cơ chế GS&PBXH. Trong đó, quy định trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động GS&PBXH, coi GS&PBXH là khâu bắt buộc trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng đề án. Đồng thời nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực hiện chức năng phản biện xã hội của mình. Quy định rõ thì tiếng nói phản biện mới hiệu quả, có giá trị, ý nghĩa thực sự trong đời sống xã hội, dân chủ được phát huy, huy động được sự đóng góp của nhân dân vào quốc kế dân sinh, tham gia vào công việc của đất nước.

ĐOÀN SƠN (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.