(ĐNĐT) - Thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT với tổng chiều dài 23km, nối liền các tuyến đường trung tâm thành phố đến các khu du lịch.
Xe buýt nhanh BRT là một sự lựa chọn phù hợp với hệ thống giao thông công cộng của Đà Nẵng khi trong tương lai gần hệ thống xe buýt hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu. Ảnh: ĐNĐT |
Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, đại diện Công ty tư vấn SKM (Úc) vừa có buổi báo cáo với lãnh đạo Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng về nghiên cứu khả thi dự án “Phát triển bền vững đô thị Đà Nẵng”, tập trung vào hợp phần 2 - xây dựng hệ thống xe buýt nhanh BRT.
Tuyến xe buýt nhanh BRT có tổng chiều dài khoảng 23 km, với 37 trạm dừng trên tuyến và 2 nhà ga đầu, cuối tuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến từ 33 - 37,5 triệu USD.
Lộ trình tuyến BRT được đề xuất sẽ bắt đầu từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đi qua các tuyến đường tại khu vực trung tâm thành phố gồm Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Linh, cầu Rồng, Ngũ Hành Sơn, Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa và kết thúc tại khu vực trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Việt - Hàn.
Sau khi nghe Công ty tư vấn SKM trình bày, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến kết luận và đề nghị một số nội dung cơ bản về mô hình hệ thống xe buýt nhanh BRT của thành phố.
Theo đó, lộ trình BRT sẽ được mở rộng thêm đến các điểm du lịch như Bà Nà, Hội An. Phương thức phân chia làn đường cũng phải xem xét lại kĩ hơn trong thiết kế chi tiết, đảm bảo xe lưu thông thuận lợi và phù hợp với làn đường hẹp tại Đà Nẵng.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã có thư chính thức đồng ý cho dự án sử dụng vốn vay IDA (nguồn vốn vay ưu đãi của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc WB). Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị WB xem xét về tỷ lệ vốn đối ứng của thành phố trong tình hình kinh tế khó khăn và thiếu hụt ngân sách như hiện nay.
Lãnh đạo thành phố đã giao cho Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, và Ban quản lý Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên phối hợp với chuyên gia WB để hoàn thành dự án nghiên cứu khả thi, thiết kế chi tiết và đảm bảo tiến độ của dự án. Dự kiến đến tháng 11-2012, nghiên cứu khả thi sẽ được trình lên WB để phê duyệt.
Theo chuyên gia tư vấn về hệ thống BRT, từ nay đến năm 2016, nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông trên các tuyến đường trung tâm thành phố là rất lớn, riêng trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ bắt đầu xuất hiện những vấn đề ách tắc giao thông nghiêm trọng. Do vậy, cần thiết phải đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông công cộng của thành phố và xe buýt nhanh BRT là một sự lựa chọn phù hợp với Đà Nẵng. Đây là loại hình giao thông đô thị hiện đang được sử dụng phổ biến tại nhiều thành phố lớn, đông dân, có mật độ xe máy cao ở các nước trên thế giới.
Xe buýt nhanh BRT sẽ được ưu tiên chạy riêng trên một làn đường mà các phương tiện hỗn hợp khác không được đi vào. Tại các điểm dừng sẽ có các phương án tiếp cận sang đường an toàn cho người đi bộ, có thể sử dụng đèn tín hiệu cho người đi bộ hoặc ở những nút giao thông có lưu lượng lớn có thể sẽ làm cầu vượt cho người đi bộ.
ĐNĐT