.

“Đội quân tóc dài” chống bạo lực

.

Nhờ “tài lẻ” biết làm dịu cơn giận của những ông chồng nóng nảy; thêm vào đó, một số chị trong đội từng là nạn nhân của bạo hành nên cách phòng chống bạo lực gia đình của Đội dân phòng cơ động nữ phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) cũng có phần thuyết phục.

Các thành viên Đội dân phòng cơ động nữ phường Khuê Mỹ trong lúc làm nhiệm vụ cùng cảnh sát khu vực.  (Ảnh do Đội dân phòng cơ động nữ phường Khuê Mỹ cung cấp)
Các thành viên Đội dân phòng cơ động nữ phường Khuê Mỹ trong lúc làm nhiệm vụ cùng cảnh sát khu vực. (Ảnh do Đội dân phòng cơ động nữ phường Khuê Mỹ cung cấp)

Bên cạnh nhiệm vụ phối hợp bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương như bắt tội phạm ma túy, mại dâm, trộm cắp…, “đội quân tóc dài” này còn có một hoạt động rất được coi trọng, đó là tham gia phòng chống bạo lực gia đình.

“Coi chừng mấy bà dân phòng xuống đó!”

Sau một năm hoạt động, đến nay, Đội dân phòng cơ động nữ Khuê Mỹ đã giải quyết được 9 vụ bạo lực gia đình trên địa bàn phường. Điểm chung của các vụ việc xuất phát từ người chồng say xỉn có hành động thiếu kiềm chế, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn trong nuôi dạy con cái. “Đã có 4 vụ được can thiệp thành công, các cặp còn lại vẫn ở giai đoạn “hòa bình” tạm thời. Chúng tôi không dám vui mừng quá sớm, cần thời gian để biết chắc chắn vấn đề của các gia đình đã êm xuôi chưa. Bạo lực thường xảy ra rất dây dưa”, Đội trưởng Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết.

Dù là lực lượng mới được thành lập, lại chưa có nhiều kiến thức nghiệp vụ phòng chống bạo lực gia đình; nhưng với một số ông chồng vũ phu, mỗi khi bị dọa: “Coi chừng tui kêu mấy bà bên đội dân phòng xuống đó”, thì đối tượng “thối lui” ý định đánh vợ, phá nhà. Phần lớn các chị là chi hội trưởng phụ nữ, cộng tác viên dân số. Số còn lại làm lao động phổ thông hoặc cán bộ về hưu. Chị Tâm chia sẻ: “Thuận lợi của đội là mỗi lần tác nghiệp đều có sự hợp tác của đội dân phòng cơ động nam và lực lượng Công an địa phương. Là phụ nữ, mình biết tận dụng sự dịu dàng, nhỏ nhẹ tâm sự và kiên trì xoay chuyển một vài tình huống. Nhưng thật sự chống bạo lực gia đình còn nhiều điều khó khăn, bởi khả năng của chị em có hạn, mà mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Thêm một tổ ấm, thêm một niềm vui

Chị Tâm nhớ có lần 10 giờ đêm nhận được tin báo của người vợ bị chồng đe dọa sẽ đốt căn nhà mới xây. Đến nơi, chị thấy một người đàn ông nằm bét nhè trên sàn nhà đến nỗi không thể nhận ra gương mặt của vợ mình. Sau nhiều ngày chị Tâm lui tới “làm công tác tư tưởng”, người chồng hứa không tái phạm. Nhưng đúng một tháng sau, anh lại nhốt vợ con trong nhà, tắt điện, đóng kín cửa và mở bình gas định cho mọi thứ nổ tung. Nhận tin báo, chị Tâm lại cùng đồng nghiệp chạy đến giải cứu. “Lình xình lắm, cuối cùng ông chồng đó cũng nói lời xin lỗi và hứa không tái phạm. 5 tháng trôi qua rồi chưa thấy ồn ào thêm. Hôm qua, tôi mới nắm tình hình từ người vợ và biết là “ảnh chưa quậy lại”. Mình thở phào”, chị Tâm nói.

Mỗi một gia đình hòa thuận là một niềm vui nhen lên trong lòng các chị. Đó cũng là nguồn động lực để cho đến nay, dù không lương bổng, không thù lao, không một khoản hỗ trợ vật chất, nhưng ngày nào các chị cũng chia ca trực. Món quà duy nhất các chị được nhận là bộ đồng phục do Giám đốc Công an thành phố trao tặng. Các vụ bạo lực gia đình thường xảy ra khoảng buổi chiều tối và đêm khuya, nên thời gian “vào cuộc” của đội cũng sôi nổi nhất vào lúc này. Trước những thành tích đã làm, các chị được mời đi báo cáo, giao lưu ở nhiều nơi. Hỏi về niềm mong ước của cả đội để thời gian tới hoạt động dân phòng nữ tốt hơn, chị Tâm nói: “Chúng tôi sẽ tăng cường họp để rút kinh nghiệm trong công tác hòa giải bạo lực gia đình. Đồng thời, cả đội cũng mong mọi nhà yên ấm, vụ nào xử lý xong thì tốt đẹp mãi để chúng tôi có thời gian làm các công việc bảo vệ an ninh khác nữa”. “Vậy còn yêu cầu về chế độ?”, chị Tâm trả lời: “Chúng tôi mới làm được có chút xíu, đòi hỏi tiền bạc ngại quá!”.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.