Trải qua thời gian vận động, người dân đã đồng thuận cao với chủ trương đền bù giải tỏa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo cơ sở để thành phố đầu tư cải tạo, nâng cấp 2 tuyến đường đô thị Nam Cao và Tô Hiệu.
Người dân hai bên đường Tô Hiệu đang góp sức xây dựng tuyến đường ngày càng văn minh. |
20,5 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp đường Nam Cao
Trong kế hoạch vốn của năm 2012, tuyến đường Nam Cao chỉ được bố trí 50 triệu đồng. Nhưng nhờ 80% người dân đồng thuận, đồng ý thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, kỳ họp thứ 4 của HĐND thành phố khóa VIII vừa qua đã quyết định đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường này từ năm 2012. Đây là tin vui với hơn 100 hộ dân sống chung với cảnh xuống cấp trầm trọng của tuyến đường trong nhiều năm qua, nhất là tình trạng mất vệ sinh môi trường do không có hệ thống thoát nước thải mặt đường.
Trên cơ sở nghị quyết của HĐND thành phố, cuối tháng 8 vừa qua, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản đề xuất UBND thành phố về việc cải tạo nâng cấp đường Nam Cao theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, thực hiện trong hai năm 2012 và 2013 từ vốn ngân sách thành phố với chiều dài toàn tuyến 536,9m; lòng đường rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m được lát gạch daramic; có hệ thống mương thoát nước dọc tuyến đường và các cống qua đường; di dời và xây dựng hoàn thiện hệ thống điện, điện chiếu sáng, cấp nước… Tổng kinh phí đầu tư công trình là 20,5 tỷ đồng. Trong đó, nhờ người dân đồng thuận thực hiện đền bù giải tỏa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm (người dân hiến đất, thành phố chỉ đền bù thiệt hại nhà cửa, vật kiến trúc theo quy định) nên chi phí đền bù giải tỏa chỉ còn 1,84 tỷ đồng.
Nới rộng đền bù, bố trí tái định cư
Trong khi đó, UBND thành phố đã bố trí kế hoạch vốn 5 tỷ đồng để xây lắp công trình cải tạo, nâng cấp đường Tô Hiệu trong năm 2012 với lòng đường rộng 7,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 3m, tổng chiều dài toàn tuyến 1.293m (từ đường Tôn Đức Thắng đến đường ray tàu hỏa), gồm 2 nhánh: nhánh 1 (nhánh chính) dài 819m, nhánh 2 dài 474m. Nhưng việc vận động nhân dân tự nguyện không nhận tiền đền bù phần đất nằm trong diện giải tỏa, không nhận tiền đền bù cây cối, hoa màu (vẫn đền bù thiệt hại nhà cửa, tường rào, cổng ngõ theo quy định) gặp nhiều khó khăn. Khi vận động đủ 80% số hộ trong diện giải tỏa đồng ý chủ trương và tự nguyện thực hiện thì tiến hành xây dựng, tiếp tục vận động số hộ còn lại thực hiện theo quyết định của đa số. Trong khi đó, thực tế diện tích đất thu hồi mặt tiền của nhiều hộ khá lớn, nhiều hộ có diện tích còn lại ít và có hoàn cảnh khó khăn.
Mới đây, UBND thành phố phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) để giải phóng mặt bằng dự án đường Tô Hiệu với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ từ ngân sách thành phố hơn 7,2 tỷ đồng. Đối với những hộ giải tỏa một phần, nhà cửa, vật kiến trúc và phần tường rào cổng ngõ nằm trong vệt thu hồi sẽ được đền bù 100% giá trị theo quy định. Đất ở và đất khuôn viên không đền bù, nhân dân đóng góp đất để xây dựng đường và người dân hưởng lợi từ dự án (giá đất sẽ tăng cao sau khi xây dựng). Đối với những hộ thu hồi giải tỏa hẳn được đền bù theo giá đất ở và đất khuôn viên có nhu cầu đất TĐC được bố trí đất tại các khu TĐC lân cận. Cụ thể, hộ có diện tích thu hồi dưới 30m2 được xem xét cụ thể để giải quyết bố trí một căn hộ chung cư trên địa bàn quận Liên Chiểu. Hộ có diện tích thu hồi từ 100m2 đến dưới 150m2 được bố trí một lô đất đường quy hoạch 10,5m diện hộ chính. Đối với trường hợp các hộ thu hồi giải tỏa một phần nhưng diện tích còn lại dưới 50m2 (tỷ lệ diện tích thu hồi so với diện tích đất sử dụng lớn hơn 50%) và một số trường hợp khác, Hội đồng giải phóng mặt bằng kiểm tra, xem xét, đề xuất, cân đối quỹ đất TĐC báo cáo trình UBND thành phố quyết định...
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP