.

Nan giải thu hồi nợ quá hạn - Kỳ 1: Người đi, nợ còn ở lại

.

Trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện nhiều dự án di dời, giải tỏa giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính nên người dân không thông qua tổ dân phố, phường, xã khi bán nhà. Điều này đã làm cho nhiều địa phương trở nên bất lực trước việc đi tìm hộ nghèo vay vốn quá hạn.

Hiện quận Thanh Khê là địa phương có tổng số nợ quá hạn của người nghèo nhiều nhất với 3,159 tỷ đồng trong tổng số 11,08 tỷ đồng nợ quá hạn của người nghèo trên địa bàn thành phố (tính đến cuối tháng 8-2012). Nhiều hộ nghèo không có khả năng trả nợ, cũng không có khả năng tái sản xuất đã dẫn đến nợ chồng lên nợ.

Danh sách các hộ nghèo nợ quá hạn được UBND phường Xuân Hà giao cho các Hội đoàn thể quản lý, theo dõi ngày một dài thêm.
Danh sách các hộ nghèo nợ quá hạn được UBND phường Xuân Hà giao cho các Hội đoàn thể quản lý, theo dõi ngày một dài thêm.

Đã nghèo lại gặp eo

Từ khi thành phố triển khai giải phóng mặt bằng cho dự án đường ven biển Nguyễn Tất Thành, cả phường Xuân Hà có hơn 1.000 hộ thuộc diện di dời, giải tỏa khi có hơn 2km đường đi qua địa bàn phường, trong đó có hơn 90 hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Đà Nẵng (gọi tắt là Ngân hàng CSXH) có nợ quá hạn chuyển đi nơi khác.

Ông Đinh Quang Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hà cho biết: “Hầu hết các hộ này vay vốn để làm ngư nghiệp chứ không phải để kinh doanh thương mại, dịch vụ nên khi chuyển đi nơi khác gặp rất nhiều khó khăn. Còn những hộ nghèo không nằm trong vùng giải tỏa thì lại mất mùa do nguồn lợi thủy sản ngày càng hạn chế… Nợ quá hạn để càng lâu lãi càng tăng dẫn đến nợ chồng lên nợ”. Cụ thể, hộ bà Nguyễn Thị Dế, tổ 7, sau khi vay vốn thì bà mất, nhưng đến bây giờ con cái bà vẫn không thể trả được nợ vì quá nghèo. Đặc biệt, trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Đá, chồng bị án tử hình, còn bà Đá thì đi tù chung thân.

Phường Thanh Khê Đông hiện còn 98 hộ nghèo vay vốn Ngân hàng CSXH có tổng số tiền nợ quá hạn đi khỏi địa phương lên đến 560 triệu đồng. Hiện phường cũng chỉ mới xác định được 24 hộ có địa chỉ chuyển đến nơi ở mới tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê)… và thậm chí ở tận thành phố Hồ Chí Minh. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Xê, lúc đầu được tìm thấy ở tổ 18 phường Xuân Hà, rồi sau đó tiếp tục chuyển sang phường An Khê, nhưng đến giờ địa phương vẫn chưa tìm thấy địa chỉ. Bà Hồ Đàm Như Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông chia sẻ: “Do quá nhiều trường hợp khác nhau nên không thể nói ra từng trường hợp cụ thể được. Éo le như hộ chị Hoàng Thị Bích Thủy vay vốn chưa trả hết nợ thì chị bị bệnh ung thư rồi chết, chồng chị cũng bán nhà và chuyển lên Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) ở và có hoàn cảnh rất khó khăn. Còn hộ bà Lê Thị Hiền, chồng bỏ nhà đi, bà Hiền thì bị ung thư giai đoạn cuối nên không có khả năng trả nợ”.

“Hồi mô có tiền tui trả”

Đa số hộ nghèo nợ ngân hàng đi khỏi địa phương đều nhận nợ khi chính quyền địa phương đến đòi nhưng họ không có khả năng trả nợ, cũng không có khả năng tái sản xuất. Cụ thể như hộ ông Mười tổ 3 vay cả gốc lẫn lãi hơn 20 triệu nhưng khi cán bộ phường đến thu nợ, ông bảo: “Hồi mô có tiền tui trả”. Cũng có trường hợp bị vỡ nợ và đi khỏi địa phương như hộ ông Nguyễn Văn Hải ở tổ 48 phường Xuân Hà. Trước đó, thấy ông Hải làm ăn có lãi, trả nợ tốt nên được phường đề xuất tiếp tục cho vay vốn. Nhưng khi phát hiện ông Hải vỡ nợ và trốn nợ do vay nặng lãi huy động vốn từ người dân, thì trong đó có cả vốn vay Ngân hàng CSXH.

Bà Hồ Đàm Như Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông cũng thừa nhận: “Hiện không thể khẳng định được là họ quỵt nợ hay không mà chỉ biết rằng họ đi khỏi địa phương thôi, trong đó có người chuyển đi do di dời giải tỏa nhưng cũng có trường hợp bán nhà nhưng không tìm được địa chỉ nơi ở mới. Để tìm ra được địa chỉ của các hộ này, chúng tôi phải có mối quan hệ rộng và dò la tin tức để cùng cán bộ tín dụng ngân hàng, UBND phường và các hội, đoàn thể đi tìm. Không ít địa phương nơi ở mới chỉ chịu nhận người nhưng không chịu nhận nợ vì cho rằng địa phương khác không đòi được nợ thì làm sao mình đòi được”.

Từ chây ì đến chiếm dụng, xâm tiêu

Không có khả năng trả nợ, hầu hết các hộ nghèo có xu hướng chây ì và thậm chí có không ít hộ không chịu nhận nợ. Điển hình là hộ ông Huỳnh Văn Cư thường trú tại tổ 10 phường Thanh Khê Tây vay vốn từ phường Thanh Lộc Đán cũ với số tiền vay 5 triệu đồng và lãi tồn đến 31-3-2012 là hơn 3,7 triệu đồng. Khi Ban xử lý nợ của phường Thanh Khê Tây đến làm việc với gia đình nhiều lần thì ông Cư vẫn từ chối và không chịu nhận nợ.

Ở phường Thanh Khê Đông có trường hợp ông Hồ Văn Mên, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn là Tổ trưởng tổ vay vốn để lừa đảo hàng chục hộ dân, Ngân hàng CSXH, quỹ Hội Nông dân... chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Tại thời điểm ông Mên bị bắt, chỉ riêng số tiền ông Mên mượn danh và mạo danh ngư dân để chiếm đoạt các nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình cho vay xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNT quận Thanh Khê đã lên đến 1,5 tỷ đồng. Lợi dụng “đục nước béo cò”, một số hộ dân nói rằng họ đã trả nợ cho ông Mên. Hiện Ngân hàng CSXH phối hợp với lực lượng Công an làm rõ một số hộ. Còn một số hộ chuyển giao cho các hội, đoàn thể tiếp tục theo dõi.

Theo Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 8-2012, tổng số nợ chiếm dụng do tổ viên nộp cho tổ trưởng tổ vay vốn, tổ trưởng tổ vay vốn không nộp cho ngân hàng còn hơn 1 tỷ đồng, nhiều nhất là trường hợp của ông Hồ Văn Mên ở phường Thanh Khê Đông còn nợ 259 triệu đồng, ông Nguyễn Ngọc Hồng còn nợ 149 triệu đồng.

Để các hộ vay khác có ý thức hơn trong việc trả nợ, đồng thời giảm tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn phường, ngày 27-6-2012, UBND phường Thanh Khê Tây đã có tờ trình số 25/TTr-UBND đề nghị UBND quận Thanh Khê đưa hộ ông Huỳnh Văn Cư ra tòa để gia đình ông Cư nhận món nợ vay và sớm hoàn trả lại cho ngân hàng.

Tổng số nợ quá hạn của người nghèo trên địa bàn thành phố còn hơn 11 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 8-2012). Trong đó, quận Thanh Khê có số nợ nhiều nhất là 3,159 tỷ đồng, quận Sơn Trà 2,275 tỷ đồng, quận Hải Châu 1,986 tỷ đồng, quận Liên Chiểu 1,563 tỷ đồng, quận Ngũ Hành Sơn 972 triệu đồng, huyện Hòa Vang 741 triệu đồng và quận Cẩm Lệ 384 triệu đồng. Ngoài ra, nợ do di dời giải tỏa trên địa bàn thành phố là 7,1 tỷ đồng.

(Nguồn: Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Đà Nẵng)

Bài và ảnh: GIA HUY

;
.
.
.
.
.