.

Tiếp lửa cho Đoàn

.

Hoạt động Đoàn đang đứng trước nhiều thách thức, người làm công tác Đoàn chưa bao giờ phải trăn trở nhiều như hiện nay. Hơn bao giờ hết, Đoàn đang rất cần những ý kiến đóng góp tâm huyết, bám sát tình hình thực tiễn để tìm ra những mô hình hoạt động hay, phương thức sinh hoạt đem lại hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho rằng nếu không thay đổi hình thức sinh hoạt, chi đoàn sẽ chỉ còn mang tính hình thức khi các trường ĐH chuyển qua đào tạo theo học chế tín chỉ.
Anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho rằng nếu không thay đổi hình thức sinh hoạt, chi đoàn sẽ chỉ còn mang tính hình thức khi các trường ĐH chuyển qua đào tạo theo học chế tín chỉ.

Mong đợi bước chuyển mình

Tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng vừa qua, đại biểu Hồ Phú Quốc, Bí thư Đoàn Sở Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng trăn trở: “Thời gian qua, việc triển khai công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng, pháp luật cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) của tổ chức Đoàn còn hời hợt. Vai trò của tổ chức Đoàn trong việc thực hiện nội dung này quá mờ nhạt. Sự sa sút về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh niên đang trong tình trạng báo động nhưng cán bộ Đoàn ở cơ sở chưa thật sự gần gũi, nắm bắt diễn biến tâm lý của thanh niên”.

Cùng ý kiến với anh Quốc, các đại biểu đến từ Quận Đoàn Cẩm Lệ bức xúc: “Chúng ta đang dần để tuột ĐVTN khỏi tay mình, chỉ vì Đoàn bây giờ thiếu trầm trọng mô hình hoạt động hay, mới mẻ; chưa bảo vệ đến cùng lợi ích chính đáng của thanh niên. Nguyên nhân một phần vì đội ngũ cán bộ Đoàn ở cơ sở hiện nay còn yếu về kỹ năng, nghiệp vụ, uy tín trong thanh niên”. Đại biểu đến từ Trường CĐ Lương thực - Thực phẩm cho rằng: “Có những chuyến đi tình nguyện chưa thực sự đúng trọng tâm, gây phản cảm trong mắt người dân. Phong trào tình nguyện đã huy động một lực lượng lớn tình nguyện viên tham gia nhưng lại thực hiện những công trình thanh niên có giá trị quá nhỏ so với khả năng có thể”.

Về những khó khăn trong tổ chức sinh hoạt Đoàn trong môi trường ĐH hiện nay, đại biểu Nguyễn Quang Trung, Bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng thẳng thắn chỉ rõ: “Thời gian qua, nhiều trường ĐH trên địa bàn thành phố đã chuyển qua hình thức đào tạo học chế tín chỉ, việc duy trì sinh hoạt chi đoàn theo lớp học rất khó khăn, mất dần tác dụng; đồng thời gắn với sinh hoạt của chủ nhiệm lớp khiến vai trò Đoàn mờ nhạt. Nếu không thay đổi, tổ chức Đoàn có nguy cơ chỉ còn mang tính hình thức”. Anh Trung cũng đề xuất giải pháp thành lập chi đoàn ngành thay vì duy trì chi đoàn ở các lớp như hiện nay. Một số đại biểu đại diện cho các trường ĐH, CĐ cũng nhấn mạnh giải pháp nên thành lập các CLB sinh hoạt theo sở thích của sinh viên, đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đoàn nhằm tạo ra môi trường mới mẻ, thoải mái hơn cho sinh viên khi tham gia vào Đoàn.

Qua những buổi thảo luận tại Đại hội Đoàn thành phố vừa qua, mong muốn lớn nhất của các đại biểu đó là ĐVTN cần chủ động, nhiệt tình hơn nữa khi đến với Đoàn. Về phần mình, Đoàn Thanh niên cần mạnh dạn có bước chuyển mình để tìm ra những mô hình hoạt động hay, phương thức sinh hoạt đem lại hiệu quả cao. Các ý kiến đóng góp tập trung vào các vấn đề như: nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn ở cơ sở; phải có cơ chế chính thức, phù hợp trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, mạnh về kỹ năng; vai trò của Đoàn trong hành trình lập thân, lập nghiệp, tìm kiếm việc làm của thanh niên; công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên ở khu dân cư...

Gắn với sự phát triển của thành phố

Để nâng cao chất lượng của tổ chức Đoàn Thanh niên, đáp ứng sự kỳ vọng của lãnh đạo cũng như nhân dân thành phố, trong nhiệm kỳ tới, Đoàn Thanh niên thành phố xác định một số mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cụ thể như: Đẩy mạnh hơn nữa nội dung “Xung kích thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy”, đào tạo 500 cán bộ Đoàn có phẩm chất, năng lực bố trí cho Đoàn cơ sở... Đặc biệt, để triển khai có hiệu quả nội dung “Xây dựng thành phố văn minh đô thị” gắn với mục tiêu thành phố “5 không”, tổ chức Đoàn xây dựng Đề án “Thanh niên thành phố 5 không”: Không có hộ thanh niên nghèo; không có học sinh, sinh viên bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn; thanh niên Đà Nẵng không tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy; không có thanh niên Đà Nẵng lang thang xin ăn; không có thanh niên Đà Nẵng giết người, cướp của. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện công trình Công viên Thanh niên Đà Nẵng, xây dựng khu vui chơi giải trí ở quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang..., góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách của tuổi trẻ thành phố về vui chơi, giải trí.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.