.

Chữa bệnh tâm thần ở trẻ em

.

Đang ngồi chơi với người thân, bỗng dưng nhiều bé khóc thét lên rồi chui vào chăn ẩn náu. Có em cười ngô nghê một mình, thi thoảng phá phách đồ đạc, lên cơn động kinh giật nảy người... Những lúc như thế, các y, bác sĩ đến dỗ dành, âu yếm các cháu như người mẹ hiền.

Đó là những hình ảnh khá quen thuộc diễn ra hằng ngày ở Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

Cử nhân tâm lý Đàm Thị Quế Anh dỗ dành một bệnh nhi tâm thần.
Cử nhân tâm lý Đàm Thị Quế Anh dỗ dành một bệnh nhi tâm thần.

Thương bệnh nhân như con

Ngồi chờ thăm con ở hành lang Khoa Tâm thần trẻ em, chị V.T.H.A (trú quận Hải Châu) tâm sự, cháu N.H.V (8 tuổi), con trai thứ hai của chị không may bị bệnh tâm thần từ lúc mới chào đời. Dù gia đình tận tình săn sóc, nhưng càng lớn V. vẫn chưa biết nói, suốt ngày lủi thủi một mình và luôn trong trạng thái sợ sệt, xa lánh người lạ.

Nghe nhiều người khuyên, gia đình chị A. quyết đưa cháu V. đến Khoa Tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng thăm khám và điều trị. Được sự tư vấn, chữa trị tận tình của các y, bác sĩ nơi đây, V. đã có những cải thiện rõ rệt. Theo chị A., sau hơn 1,5 tháng điều trị, cháu V. đã dạn dĩ, vui cười, biết bập bẹ tiếng ba, mẹ... Thấy con như thế, vợ chồng chị A. vui mừng khôn tả.

Cử nhân tâm lý Đàm Thị Quế Anh, phụ trách lớp tự kỷ Khoa Tâm thần trẻ em cho hay, nhiều cháu lúc mới nhập viện chỉ biết nói từ đơn, chậm phát triển trí tuệ. Cái khó trong điều trị bệnh nhi tâm thần là các cháu nhận thức còn hạn chế, chưa biết nói, chưa biết kêu đau... nên cán bộ y tế phải thường xuyên gần gũi, giúp đỡ mới mong đạt được hiệu quả trong quá trình điều trị. Hay nói cách khác, phải thật lòng thương yêu bệnh nhi mới giúp các em vượt qua bệnh tật.

Một kỷ niệm sâu sắc mà chị Quế Anh và các y, bác sĩ Khoa Tâm thần trẻ em còn nhớ mãi. Cách đây chưa lâu, bé Tài (quê ở Quảng Nam) nhập viện với các biểu hiện như: không biết nói, thường xuyên leo trèo, nghịch ngợm... Các y, bác sĩ tìm hiểu tâm lý, thăm khám để phát hiện Tài khiếm khuyết ở điểm nào, bộ phận nào của cơ thể, sau đó lên kế hoạch điều trị theo hướng hạn chế sự vận động, kiên trì tập cho cháu nói. Sau thời gian nỗ lực điều trị, Tài nay đã hết những trò leo trèo, chạy nhảy. Đáng mừng hơn, cháu biết lễ phép chào hỏi, bi bô gọi người thân. “Mỗi lần thấy bệnh nhi có tiến triển tốt, hồi phục dần như trẻ em bình thường, biết lễ phép chào hỏi, định hướng trong việc gọi tên người thân, người xung quanh thì các y, bác sĩ hạnh phúc đến rơi nước mắt”, chị Quế Anh tâm sự.

Nêu cao y đức

Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhi đến điều trị ở Khoa Tâm thần trẻ em khá nhiều, hằng năm có hơn 100 ca, biểu hiện bệnh lý ở nhiều dạng như: tâm thần động kinh, tâm thần phân liệt, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, rối loạn phân ly, rối loạn sợ trường học... Ngoài việc điều trị bằng thuốc, phương pháp điều trị mà các bác sĩ ở đây áp dụng chủ yếu là luyện tập cho các cháu kỹ năng như: tiếp nhận ngôn ngữ, thể hiện ngôn ngữ, bắt chước, tập trung chú ý, tự chăm sóc bản thân để giúp trẻ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Ngoài giờ tập luyện ở bệnh viện, các bác sĩ còn hướng dẫn gia đình hằng ngày thường xuyên tập luyện cho các cháu ở nhà. Nhờ áp dụng nhuần nhuyễn các biện pháp, cách điều trị này đã đạt được những kết quả khả quan, giúp nhiều trẻ bị các chứng bệnh tâm thần dần khỏi bệnh và tự tin hòa nhập cộng đồng. Qua 7 năm công tác, kỹ thuật viên phục hồi chức năng Khoa Tâm thần trẻ em Trần Thị Phương Thảo nhìn nhận rằng, đối với bệnh nhi, ngoài những can thiệp về mặt y học, người thầy thuốc phải có lòng bao dung, thương người thì mới chữa trị thành công cho các cháu.

Theo bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, trong xã hội ngày nay, các chứng bệnh tâm thần không loại trừ bất kể người lớn hay trẻ em. Mặc dù số lượng trẻ em mắc các chứng bệnh tâm thần chiếm tỷ lệ không nhiều, nhưng đây là vấn đề cần được người lớn hết sức quan tâm. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường về mặt trí tuệ, vận động..., gia đình nên đưa ngay đến các cơ sở y tế chuyên khoa điều trị, can thiệp sớm, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả trẻ em bị thiểu năng trí tuệ, không hòa nhập được với cộng đồng và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

“Ở Khoa Tâm thần trẻ em, chúng tôi luôn căn dặn cán bộ, nhân viên phải luôn nêu cao tinh thần phục vụ bệnh nhân. Người thầy thuốc phải tận tâm, nhạy cảm nhận biết những điều bệnh nhi đang cần để giúp đỡ các cháu bằng cả tấm lòng, tình thương của mình”, bác sĩ Trần Thị Hải Vân chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.