Lời Tòa soạn:
Năm 2012, ngoài việc bình chọn những sự kiện quốc tế, trong nước và thành phố nổi bật trong năm, Báo Đà Nẵng sẽ giới thiệu loạt bài viết về những công trình và cá nhân với chủ đề “Dấu ấn thành phố năm 2012”.
Dưới góc nhìn của người làm báo, với mong muốn thông qua những bài viết sẽ tạo đồng thuận cũng như thể hiện sự biết ơn của chúng ta đối với các công trình mới, các cá nhân làm những công việc khác nhau, có thể đó là người thợ cắt tóc ở một góc phố, bên cạnh việc “làm đẹp” bình dân ven đường, đều đặn nhiều năm nay bền bỉ quét sạch cả một khu đường, hoặc một thầy giáo đã hết lòng với học sinh, hoặc một bác sĩ ngày đêm tận tụy vì người bệnh, với một tấm lòng trong sáng và nhất là một tay nghề thành thạo…
Đây là lần đầu Báo Đà Nẵng thực hiện loạt bài cuối năm theo chủ đề này, hy vọng sẽ như là một sự bắt đầu cho việc xem xét, bình chọn chính thức, có thể như dạng “công dân tiêu biểu thành phố”. Mở đầu cho loạt bài này là “Rồng vàng vươn xa” giới thiệu về Cầu Rồng. Tuy đến tháng 3-2013 mới khánh thành, nhưng chúng tôi xem đây là công trình của năm 2012. Và chắc chắn đến năm 2013 thì các cây cầu Trần Thị Lý và Khuê Trung sẽ được giới thiệu như là những dấu ấn đặc biệt của năm. Và cũng vì lần đầu nên chắc chắn không khỏi thiếu sót, rất mong bạn đọc góp ý.
Không chỉ là công trình quy tụ công nghệ xây cầu tiên tiến trên thế giới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, cầu Rồng còn có kiến trúc độc đáo, mới lạ, được Hiệp hội cầu đường thế giới công nhận, là nguồn cảm hứng về thành phố đang chuyển mình, phát triển mạnh mẽ.
Dáng Rồng bay đang dần hoàn thiện. |
Vẫn biết những cây cầu bắc qua dòng sông, nhiệm vụ chính của nó là “nối những bờ vui”, nhưng với thành phố Đà Nẵng, dường như mỗi cây cầu là một tác phẩm nghệ thuật, mang trong mình những nét độc đáo riêng, không lẫn với bất kỳ công trình nào khác trên cả nước. Cầu Sông Hàn – Công trình đến nay vẫn giữ “danh hiệu” là chiếc cầu quay duy nhất trên đất nước Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, đã góp phần vào việc xóa bỏ sự cách trở chia cách hai bờ “Đứng bên ni Hàn, ngó bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hàn, ngó bên ni Hàn phố xá nghênh ngang”, hay cầu Trần Thị Lý với kiến trúc dây văng một trụ tháp hình chữ I nghiêng sẽ là biểu tượng đặc trưng mới cho thành phố Đà Nẵng… Chính các cây cầu độc đáo, mới lạ cả về mặt công nghệ lẫn thẩm mỹ đã đưa những khu nhà ổ chuột tồn tại hàng chục năm dọc sông Hàn vĩnh viễn lùi vào quá khứ, cũng chính các cây cầu đã thức tỉnh và góp phần làm nên diện mạo mới cho thành phố. Tất cả tạo nên bộ mặt hoàn toàn khác, khiến cho người dân nơi đây tự hào và du khách thì ngạc nhiên, ngẩn ngơ ao ước.
Là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hàn trong 12 năm qua, cầu Rồng được xem là biểu tượng cho một giai đoạn phát triển mới, động lực cho khí thế cất cánh mới của thành phố. Bởi đây là công trình có vai trò quan trọng trong chiến lược hoàn thiện hạ tầng đô thị Đà Nẵng, kết nối sân bay quốc tế và đại lộ thương mại sầm uất Nguyễn Văn Linh với vùng du lịch ven biển, mở rộng liên kết với các tuyến trọng điểm du lịch Sơn Trà, Hội An, nhờ đó tạo ra lợi thế hỗ trợ để khai thác tối ưu tiềm năng du lịch của thành phố Đà Nẵng. Cầu Rồng, ngoài chức năng là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, còn góp phần tái phân bố, chia sẻ lưu lượng vận tải đô thị cho các công trình vượt sông khác của Đà Nẵng.
Theo ông Phạm Trường Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án cầu Rồng thì với mặt cắt ngang rộng, có khả năng đảm đương khối lượng xe cộ lớn, công suất lên đến 100.000 – 120.000 xe tiêu chuẩn trong một ngày đêm đã giúp cầu Rồng không chỉ trở thành công trình duy nhất ở Việt Nam có khả năng dung nạp lượng xe lớn mà còn góp phần giải quyết sự quá tải hiện tại của cầu Sông Hàn, đồng thời đáp ứng lưu lượng giao thông ngày càng phát triển cũng như nhu cầu đi lại của người dân và du khách.
Rồng là loài vật tồn tại trong thần thoại phương Đông lẫn phương Tây, có ý nghĩa tâm linh và sức mạnh phi thường. Hình dáng cầu mô phỏng theo hình tượng con Rồng phản ánh mong muốn thành phố ngày càng phát triển vững vàng với tâm thế “vươn ra biển lớn”. Một chuyên gia ngành xây dựng đã khẳng định, cầu Rồng là công trình vĩnh cửu, một điểm nhấn cảnh quan độc đáo, biểu tượng kiến trúc mới của thành phố tỏa ánh sáng làm cho sông Hàn càng thêm lung linh vẻ đẹp mà chắc không một thành phố nào của cả nước có được.
Những người thợ đang gấp rút hoàn thành các hạng mục để cầu Rồng có thể khánh thành đúng ngày 29-3-2013, ngày kỷ niệm 38 năm giải phóng thành phố. Ảnh: MAI TRANG |
Dáng rồng bay mạnh mẽ nhưng nhẹ nhàng mang lại cảm giác hân hoan, ngóng chờ không chỉ cho người dân Đà Nẵng mà còn bạn bè khắp mọi miền đất nước. Một trong những yếu tố níu chân, thôi thúc du khách đến thăm thành phố có lẽ là công trình mang tên cầu Rồng. Họ đến để chiêm ngưỡng kiệt tác về sự táo bạo trong ý nghĩ, thể hiện sức mạnh của sự sáng tạo, của khả năng chinh phục tự nhiên và công nghệ của con người.
Đến từ đất nước của khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, với những cây cầu đã vang danh lịch sử như cầu Cổng Vàng (Golden Gate, thành phố San Francisco), cầu Bảy Dặm (bang Florida)... chiều chiều, ông Russ Jebow người Mỹ vẫn dạo bước trên đường Bạch Đằng và trầm ngâm ngắm cầu Rồng đang vào giai đoạn hoàn thiện. Ông chia sẻ cơ duyên của mình đối với thành phố sông Hàn: “Cách đây 4 năm, con trai tôi thắng giải thưởng đến Việt Nam, tôi và con có dịp đến thăm nhiều thành phố và phải thú thực rằng Đà Nẵng là nơi duy nhất níu chân tôi quay lại”. Từ đó đến nay, đã ba lần ông Russ đến Việt Nam và lần nào cũng chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân. Mỗi lần như vậy ông ở lại khoảng một tháng, vừa làm giáo viên tiếng Anh tình nguyện cho Đại học Đà Nẵng vừa cảm nhận sự đổi thay từng ngày của thành phố cũng như mong đợi sẽ quay lại nơi đây vào năm sau để tận mắt chứng kiến dáng Rồng vàng vươn cao, in dấu xuống dòng sông Hàn xanh như ngọc và đặc biệt là thích thú ngắm từng chùm lửa thật phun ra từ miệng Rồng.
Đại diện cho hơn 1.000 kỹ sư, công nhân trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng cầu Rồng, anh Phạm Xuân Bình, phụ trách kỹ thuật Ban điều hành dự án cầu Rồng chia sẻ cảm xúc bồi hồi khó tả khi từng ngày chứng kiến chiếc cầu thành hình, dáng Rồng bay đang dần hoàn thiện. Trong một ngày không xa, cầu Rồng sẽ góp phần đánh thức tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đa dạng hóa các hoạt động khoa học kỹ thuật, công-nông nghiệp, thương mại, tài chính, dịch vụ, du lịch, văn hóa... đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm đa chức năng của các quan hệ kinh tế - xã hội, xứng đáng là đòn bẩy tác động và thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn vùng đi lên theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vui là vậy, tự hào là vậy nhưng những công nhân, kỹ sư từ mọi miền đất nước không khỏi chạnh lòng khi chỉ còn ít ngày nữa thôi, khi cầu Rồng hoàn thiện, họ sẽ rời mảnh đất đã gắn bó suốt gần 4 năm – thời gian đủ dài để họ hiểu hết chu kỳ mưa nắng, cảm nhận đầy đủ sự gay gắt của nắng miền Trung và những cơn mưa không dứt cũng như tình cảm, tập quán và sự hiếu khách của người dân nơi đây. “Cứ nghĩ đến cảnh rồi sẽ phải chia xa những buổi chiều vàng như dát mật trên bờ sông Hàn, nơi có những người dân gần như hôm nào cũng ngồi hóng gió và nhìn ngắm sự lên hình của một trong những cây cầu đẹp nhất, mà chúng tôi cứ thấy bồi hồi một cảm giác da diết”, anh Bình tâm sự.
Chiều chiều, bà Nguyễn Thị Liên (Trưng Nữ Vương, Hải Châu), một cán bộ về hưu lại thong dong dạo bước ngắm cầu Rồng, bà chia sẻ chân thành: “Xin gửi sự biết ơn đến những tấm lòng, những trái tim nhiệt huyết, sức sáng tạo và trên hết là sự ân tình của những ai đang góp phần giúp Đà Nẵng có thêm một công trình nối nhịp đôi bờ, mang lại sự thuận tiện trong giao thông và thực sự tạo nên biểu tượng kiến trúc mới, khiến bạn bè gần xa thêm quý, thêm yêu thành phố”.
Cầu Rồng có tổng chiều dài 666m, cầu chính gồm 5 nhịp liên tục dài 592m và cầu dẫn giao vượt qua đường Trần Hưng Đạo dài 74m; khổ cầu rộng 37,5m được phân thành 2 hướng riêng biệt, mỗi hướng bố trí cho 3 làn xe cơ giới. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cầu khoảng 2.000 tỷ đồng (Ban Quản lý Dự án Cầu Rồng cung cấp). |
MAI TRANG
TIN LIÊN QUAN
InterCon - bản giao hưởng trước biển
Nhà chung cư: Những mái ấm trong lòng Đà Nẵng
“Bàn tay vàng” nối nhịp trái tim
Tàu cá ông Mười và khát vọng vươn khơi