Cán bộ công tác xã hội (CTXH) đang làm việc tại các trung tâm bảo trợ xã hội, điều dưỡng người tâm thần, bệnh viện tâm thần trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, người tâm thần tại đây chủ yếu được nuôi dưỡng chứ chưa được tư vấn, trị liệu tâm lý đúng cách.
Người tâm thần cần được chăm sóc, trị liệu đúng cách. TRONG ẢNH: Người tâm thần đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng. |
Thiếu cán bộ chuyên môn
Vừa lo tiếp nhận người mới đến, vừa chuẩn bị truyền đạt thêm kiến thức cho đồng nghiệp về phương pháp trị liệu người tâm thần, anh Lý Quỳnh Linh (cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng) dường như không lúc nào ngơi nghỉ. Trung tâm này đang nuôi dưỡng 170 người già, trẻ em, người lang thang xin ăn, trong đó có 39 người bị bệnh tâm thần. Ông Nguyễn Đức Liên, Giám đốc Trung tâm thở dài: “Cả trung tâm có 30 cán bộ, viên chức thì chỉ anh Linh có trình độ chuyên môn về CTXH. Còn 3 cán bộ đang đi học về chuyên ngành CTXH”. Ông Liên cũng cho biết, 1 năm 2 lần, nhân viên ở đây đều được tập huấn về vấn đề chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe tâm thần. Thiếu cán bộ có chuyên môn nên hầu hết những người bị tâm thần, động kinh, rối nhiễu tâm trí tại trung tâm chủ yếu được chăm sóc là chính chứ chưa được trị liệu đúng bài bản.
Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng (quận Liên Chiểu) là một trong những cơ sở lâu năm của khu vực miền Trung nhưng cũng đang rơi vào cảnh “khát” nhân lực chuyên môn. Hiện trung tâm nuôi dưỡng 350 bệnh nhân ở nhiều tỉnh, thành phố đến điều trị nhưng tổng số cán bộ, nhân viên chỉ có 50 người, trong đó có 37 người trực tiếp chăm sóc người bệnh. “Chúng tôi chỉ có 2 cán bộ có chuyên môn về CTXH, còn 4 người đang đi học về chuyên ngành này. Từ lâu, chúng tôi đã đề xuất bổ sung thêm nhân lực về lĩnh vực này cho trung tâm khoảng hơn 10 người nhưng vẫn chưa có”, ông Nguyễn Văn Được - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng cho biết. Ngoài việc thiếu cán bộ làm CTXH, những khó khăn về thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng trị liệu cho người rối nhiễu tâm trí... cũng ảnh hưởng đến việc điều trị tại trung tâm.
Theo yêu cầu nhiệm vụ, một cán bộ chăm sóc người tâm thần phải có chuyên môn, nghiệp vụ để có thể cảm và hiểu, từ đó tìm ra liệu pháp trị liệu phù hợp với mỗi người bệnh. Việc trị liệu có thể dựa vào 3 yếu tố: Hóa dược trị liệu (dùng thuốc), tâm lý trị liệu (thông qua các hoạt động xã hội) và yếu tố nền (tìm nguyên nhân gây nên bệnh).
Cần giải pháp đồng bộ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho biết: “Đà Nẵng đã và đang triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ cho 100% người tâm thần có hành vi nguy hiểm và người tâm thần lang thang không nơi nương tựa được đưa vào điều trị, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Ngoài ra, người tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần được giải quyết hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng và được khám chữa bệnh miễn phí, được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ CTXH khác”. Tuy nhiên, thực tế, thành phố vẫn thiếu hụt đội ngũ có chuyên môn về CTXH để tham gia chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Hiện cả nước có hơn 40 trường ĐH đang chính thức tham gia đào tạo chuyên ngành CTXH ở cấp trung học, CĐ và ĐH hệ chính quy. Trong khi đó, theo Tiến sĩ Bùi Thị Xuân Mai, Khoa CTXH thuộc ĐH Lao động xã hội, đào tạo ngành CTXH trong chăm sóc sức khỏe tâm thần còn có nhiều bất cập như: nội dung chương trình chưa đầy đủ, dàn trải, đội ngũ giảng viên còn hạn chế, cơ sở thực hành còn rất mỏng... “Nước ta chưa có cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; các cơ sở bảo trợ xã hội mới chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu chăm sóc và phục hồi chức năng của người tâm thần. Các cơ sở bảo trợ xã hội chủ yếu nuôi dưỡng tập trung người tâm thần; thiếu cán bộ có chuyên môn nên kỹ năng và phương pháp chăm sóc chưa khoa học; phần lớn các cơ sở bị xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng…”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhận định.
Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 1215 nhằm quy hoạch và phát triển hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội… Tuy nhiên, theo bà Chuyền, để thực hiện được điều này cần có giải pháp đồng bộ ở các cấp ngành.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ