.

Kết nối giao thông Đà Nẵng và Tây Nguyên: Vẫn chưa thông!

.

Cảng Tiên Sa được xem là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên xuất khẩu ra nước ngoài, cũng như đến với các tỉnh, thành ở hai đầu đất nước. Tuy nhiên, do hạ tầng giao thông nội bộ của các tỉnh Tây Nguyên cũng như các tuyến quốc lộ nối Tây Nguyên với Đà Nẵng chưa phát triển, vì vậy chưa thể phát huy hết lợi thế của mình.

Quốc lộ 14B - tuyến giao thông huyết mạch từ Cảng Tiên Sa đến các tỉnh Tây Nguyên.
Quốc lộ 14B - tuyến giao thông huyết mạch từ Cảng Tiên Sa đến các tỉnh Tây Nguyên.

Trước khi tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây đưa vào sử dụng, hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên (chủ yếu là nông sản) xuất qua cửa khẩu Quy Nhơn, một phần vận chuyển bằng đường bộ. Lượng hàng hóa các tỉnh Tây Nguyên chiếm chưa đến 5% tổng hàng hóa thông qua Cảng Tiên Sa. Từ khi tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây thông suốt, lượng hàng hóa nông sản từ các tỉnh Tây Nguyên trong năm 2011 qua Cảng Tiên Sa đã chiếm gần 10% và dự kiến trong năm nay khoảng 12%. Theo ông Nguyễn Hữu Sia, Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng, lượng hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên xuất qua Cảng Tiên Sa tăng như vậy là nhờ giao thông thuận lợi hơn. Điều này không những rút ngắn thời gian luân chuyển hàng hóa trên đường, mà còn giảm được chi phí nhờ vận chuyển bằng đường thủy. Tuy nhiên, phải nhìn nhận là con số này khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên là các mặt hàng như cà-phê, mủ cao su, dăm gỗ...

Mặc dù vài năm gần đây, hạ tầng giao thông của các tỉnh Tây Nguyên đã được đầu tư nâng cấp, nhưng đến nay vẫn còn đến 61,75% hệ thống đường nội bộ là đường đất, hoặc chỉ mới được rải đá cấp phối. Vì vậy, cứ đến mùa mưa, việc tập kết hàng hóa trên địa bàn của các tỉnh Tây Nguyên để vận chuyển về Cảng Tiên Sa luôn gặp nhiều khó khăn và mất  nhiều thời gian. Cho đến nay, mới có tuyến đường 14B nối từ Cảng Tiên Sa với khu vực Tây Nam của tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên được nâng cấp và đưa vào khai thác. Thế nhưng, do việc thi công nâng cấp tuyến đường 14 nối các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế - Quảng Nam -Kon Tum - Gia Lai - Đăk Lăk - Đăk Nông với tiến độ chậm, khiến việc lưu thông toàn tuyến từ Đà Nẵng đến các tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh như vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2011/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được xem là một tín hiệu tốt. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, tổng lượng hàng hóa vận chuyển toàn vùng sẽ đạt 101 triệu tấn và 185 triệu lượt khách/năm với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 8,5 - 9,5%/năm. Để đạt con số này, ngoài việc hoàn thiện nâng cấp hệ thống giao thông đường sắt, quốc lộ 1A, tuyến đường cao tốc duyên hải miền Trung..., việc hoàn thiện hệ thống giao thông các tỉnh Tây Nguyên kết nối vào các tỉnh duyên hải miền Trung nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng rất quan trọng, đặc biệt là tuyến Hành lang Kinh tế Đà Nẵng-Tây Nguyên kết nối Cảng Tiên Sa với Tây Nguyên bám theo tuyến quốc lộ 14B và đường Hồ Chí Minh. Đây là trục xương sống và đã hoàn chỉnh, tuy nhiên hiện nay, nhiều đoạn đường bị xuống cấp nghiêm trọng trong mùa mưa bão đã phá sản kế hoạch vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, còn rất nhiều tuyến đường phải hoàn thiện sớm để phát huy hết tiềm năng kinh tế của cả vùng như tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh nối từ phía Tây đèo Pe Ke đến Thạnh Mỹ, Quảng Nam; nhánh nối Cam Lộ-La Sơn-Túy Loan. Song song còn có tuyến Đông Trường Sơn đoạn nối hai tỉnh Quảng Nam với Quảng Ngãi... Đó là khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc hoàn thiện hạ tầng giao thông theo Quyết định 07/2011 của Thủ tướng Chính phủ là một thách thức không nhỏ.

Giao thông nối Đà Nẵng với các tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa thông, nếu trong thời gian đến không có các chính sách mang tính đột phá để thu hút các nhà đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.