.

Lịch sử mãi mãi ghi nhớ mùa Noel kinh hoàng năm ấy

Cách đây đúng 40 năm, lịch sử Việt Nam cũng như thế giới mãi mãi không quên một mùa Noel kinh hoàng, khủng khiếp  khi chính quyền Mỹ mở cuộc không kích chiến lược với quy mô chưa từng có  vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác, dưới cái tên “Chiến dịch Linebacker II” nhằm đưa  miền Bắc nước ta trở về “thời kỳ đồ đá”, để buộc Việt Nam  phải đầu hàng, chấp nhận vô điều kiện Hiệp định hòa bình tại Paris do Mỹ đặt ra.

Dư luận còn nhớ, bắt đầu từ ngày 18-12, nhất là đêm 24 , khi tại thủ đô Washington của Mỹ và nhiều thành phố khác trên thế giới rực rỡ sắc màu cùng hàng triệu người nô nức đổ ra đường phố để đón một mùa Giáng sinh an lành, và ngay chính Tổng thống Mỹ Nixon cũng đến nhà thờ để cầu Chúa ban phước lành, thì  tại Thủ đô Hà Nội, trái tim của Tổ quốc Việt Nam liên tiếp bị  hàng ngàn tấn bom đạn do máy bay B.52 và các loại máy bay khác của Mỹ dội xuống. Từ 19 giờ 50 phút, Mỹ dùng  tới 33 lần chiếc B.52 đánh phá ác liệt ga Kép, Bắc Giang, phối hợp với 39 lần chiếc máy bay chiến thuật yểm hộ đánh phá các sân bay Yên Bái, ga Kép và khu vực Vĩnh Tuy (Hà Nội) vô cùng khốc liệt . Cả Hà Nội tối 24-12 không có ánh điện, ngập chìm trong tiếng bom rền của Mỹ, trong tiếng pháo  phòng không của quân dân thủ đô bắn trả máy bay, trong  kêu la của hàng chục người bị thương, bị vùi trong những đống gạch hoặc trước cảnh người thân bị thiệt mạng do đạn bom của kẻ thù dã tâm sát hại.

Nhưng đêm ấy quân  dân miền Bắc và Thủ đô Hà Nội kiên cường, chiến đấu giỏi đã bắn rơi 5 chiếc máy bay, trong đó có 1 B.52, 2 F4, 2 A7.  

Do bị thất bại nặng nề và lấy cớ “nghỉ lễ Noel” , 24 giờ đêm 24-12, không quân Mỹ tạm ngừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần bọn giặc lái, rút kinh nghiệm tìm thủ đoạn và cách đánh mới.

Có thể nói, chiến dịch Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh Việt Nam, từ 18-12 đến 30-12-1972. Chiến dịch này là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10-1972, ngoại trừ điểm khác biệt lớn là các cuộc tấn công bằng máy bay ném bom chiến lược B.52.

Những gì đã diễn ra tại Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm của 40 năm về trước sẽ không thể nào quên với bất cứ ai đã sống trong thời kỳ của bom đạn khốc liệt, thời kỳ của công cuộc bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước. Người dân sống ở Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, ở Ngọc Hà, ở Vĩnh Tuy, ở Long Biên... hẳn không bao giờ quên những hình ảnh tang thương mà bom đạn của kẻ thù đã gây nên. Đặc biệt, trong đó có một mùa Noel vô cùng khủng khiếp đối với người Hà Nội, nhất là bà con theo đạo Thiên Chúa!

Người chết, phố phường tan hoang nhưng trong ý chí sắt đá của người dân Việt Nam vẫn ngân vang một tiếng nói thiêng liêng: Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Bất cứ thế lực siêu cường nào cũng đều phải trả giá đắt nếu động đến hai chữ thiêng liêng đó của người Việt ta.

Bởi vậy,  cuộc tập kích chiến lược ồ ạt và tàn bạo bằng B.52 của Mỹ đã thất bại nhục nhã. Trên 80 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có hơn 30 chiếc B.52, cùng nhiều phi công Mỹ bị bắt. Bị tổn thất quá nhiều về máy bay chiến lược, không ép được ta bằng thế mạnh, lại bị nhân dân trong nước Mỹ và trên thế giới phản đối kịch liệt, Nixon đã phải ra lệnh chấm dứt không điều kiện cuộc tập kích, phải chịu thua trên bầu trời Hà Nội, để rồi sau đó buộc phải chấp nhận thêm cuộc thua trên bàn đàm phán ở Paris. Hiệp định Paris đã được ký vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, Mỹ cam kết tôn trọng độc  lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết sẽ không dính líu về quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, cam kết rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ về nước, tạo thế cho quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối.

Nhớ lại mùa Noel của 40 năm về trước cũng là dịp để chúng ta ôn lại sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc, hun đúc nên tinh thần yêu nước, đoàn kết , quyết tâm bảo vệ nền độc lập và vùng đất, vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

LÊ MINH HÙNG

;
.
.
.
.
.