.
NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC:

“Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1975)”

.

Ngày 17-12-2012, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng  thành lập Hội đồng và tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học: “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam cộng hòa (1954 – 1975)”, do Thạc sĩ Võ Công Trí làm chủ nhiệm đề tài.

Hội đồng nghiệm thu.                                                                                          Ảnh: P.V
Hội đồng nghiệm thu. Ảnh: P.V

Xuất phát từ nhu cầu sưu tập tư liệu phục vụ cho việc phát huy truyền thống yêu quê hương, biển đảo; đồng thời để giúp các cơ quan hữu trách trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (nay là huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng), từ năm 2010, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng được giao là cơ quan chủ quản triển khai đề tài quan trọng này. Sau hai năm làm việc nghiêm túc với tinh thần khoa học, các báo cáo kết quả và tài liệu liên quan đến công trình đã hoàn thành.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên, một đề tài khoa học nghiên cứu về Hoàng Sa từ các nguồn tư liệu lưu trữ của chính quyền Trung ương của Việt Nam Cộng hòa được triển khai. Ban Chủ nhiệm đề tài đã tiếp cận, nghiên cứu hàng chục ngàn trang tư liệu liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa, và đã chọn đọc 209 hồ sơ, với hơn 1.028 trang tư liệu (chọn lọc) được lưu tại các Trung tâm lưu trữ Quốc gia. Từ đó hệ thống hóa những tư liệu quan trọng, chính yếu về Hoàng Sa theo những chủ đề riêng (chủ quyền, quân sự, kinh tế, nghiên cứu khoa học...), gồm: 521 trang tư liệu gốc, 30 ảnh tư liệu và 2 bản đồ. Tất cả các tư liệu được công bố trong đề tài này đều là những văn bản gốc, độc bản, có giá trị đặc biệt về lịch sử. Do vậy, mỗi tư liệu khảo sát được xem như là một hiện vật lịch sử, làm cơ sở, chứng cứ cho việc chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, khẳng định tính liên tục về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Tất cả các tư liệu trên đã phản ánh một cách chân thực, vững chắc, liên tục hoạt động quản lý địa giới hành chính, ấn định lãnh hải, phương diện ngư nghiệp, nghiên cứu hải dương học, điều phái viên quản lý hành chính, canh phòng các đảo, tình hình tiếp viện  lương thực, điều kiện đời sống của binh lính, nhân viên trên quần đảo Hoàng Sa từ năm 1954 đến năm 1975.

Kết quả nghiệm thu Đề tài được tất cả các thành viên Hội đồng gồm những nhà khoa học, nghiên cứu, hoạt động văn hóa thống nhất xếp loại Xuất sắc.

ThS Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu): “Đề tài nghiên cứu khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa 1954-1975” do ThS. Võ Công Trí (Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng) làm chủ nhiệm cũng nằm trong mạch nghiên cứu chung về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ lịch sử. Nếu như Đề tài “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa-thành phố Đà Nẵng” do TS. Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng) làm chủ nhiệm trước đây chỉ trích lược vắn tắt nội dung các tư liệu liên quan đến Hoàng Sa từ nhiều nguồn, ở nhiều giai đoạn khác nhau thì Đề tài “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa 1954-1975” tập trung vào một nguồn tư liệu duy nhất là của chính phủ Việt Nam Cộng hòa và ở một giai đoạn duy nhất là giai đoạn 1954-1975. Nhờ vậy nhóm tác giả Đề tài có điều kiện đi sâu khai thác nhiều tư liệu không chỉ có giá trị lịch sử hết sức chân thực mà còn có giá trị pháp lý rất tường minh, góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đang bị quân đội Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ năm 1974. Trên mặt trận ngoại giao học thuật rất sôi động hiện nay, Đề tài này còn mở ra một cách tiếp cận mới đối với các tư liệu khẳng định chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng, Biển Đông nói chung. Mới không phải do lâu nay chưa tiếp cận theo hướng này, mà mới do đây là lần đầu tiên tiếp cận theo hướng này một cách có hệ thống và quan trọng hơn là được tận mục sở thị các tư liệu có liên quan mà vì lý do bảo mật nên đến nay vẫn đang nằm ngoài tầm nhìn lẫn tầm với của các nhà nghiên cứu. Đây là đóng góp lớn nhất của nhóm tác giả Đề tài”.

 

;
.
.
.
.
.