.

Người khuyết tật cần tham vấn đồng cảnh

.

Người mới bị khuyết tật thường có tâm lý không chấp nhận sự thật cơ thể không còn lành lặn, dẫn đến khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống. Sự tư vấn, chia sẻ của những người đồng cảnh sẽ giúp họ mạnh mẽ, lạc quan hơn. Tuy nhiên, hoạt động tham vấn đồng cảnh hiện nay còn mang tính tự phát và thiếu chuyên nghiệp.

Sự sẻ chia của những người đồng cảnh ngộ giúp người khuyết tật sớm vượt qua khó khăn.
Sự sẻ chia của những người đồng cảnh ngộ giúp người khuyết tật sớm vượt qua khó khăn.

Cùng nhìn tương lai tươi sáng

Trần Ngọc Tuấn (33 tuổi, Hội Người khuyết tật Cẩm Lệ) từng là giám đốc của một công ty tư nhân. Cách đây vài năm, chàng trai trẻ không may bị tai nạn giao thông dẫn đến liệt hai chân. Cuộc sống và tính tình của Tuấn trở nên hoàn toàn thay đổi sau sự cố đó. Lo lắng cho con, mẹ Tuấn đã tìm đến Hội Người khuyết tật thành phố để nhờ sự hỗ trợ.

Chị Đặng Hương Giang, Phó Chủ tịch Hội, lúc bấy giờ là thành viên nhóm tham vấn đồng cảnh đã có nhiều ngày lui tới chia sẻ với Tuấn. Chị nhớ lại: “Tuấn toàn nói về quá khứ đầy tự hào của mình và tuyệt nhiên không hề phàn nàn lời nào về tình trạng hiện nay. Có thể mọi người sẽ lầm tưởng bạn ấy là người quá mạnh mẽ. Nhưng thực tế, Tuấn đang cố tình chối bỏ thực tại”.

Bản thân Giang cũng là người khuyết tật hai chân nên cô đã chia sẻ với Tuấn tất cả cảm giác mình từng trải qua, sự cố gắng vượt lên chính mình và làm thế nào để vẫn sống tốt trong điều kiện cơ thể không còn nguyên vẹn. Sau 2 năm làm bạn đồng cảnh, Giang đã giúp Tuấn mở lòng mình hơn, tự tin bước ra đường và tham gia các hội, nhóm.

Mai Thị Thủy (22 tuổi) là trường hợp thành công khác của hoạt động tham vấn đồng cảnh. Qua sự định hướng, giúp đỡ học nghề và tìm kiếm việc làm, cô bé Thủy luôn sống trong mặc cảm ngày nào đã trở thành nhân viên nhập dữ liệu của Công viên phần mềm (số 2 Quang Trung, Đà Nẵng).

Tuy vậy, có không ít trường hợp nhóm tham vấn đồng cảnh chưa thể can thiệp thành công. Trần Đình Hải, cán bộ Hội Người khuyết tật thành phố cho biết: “Tôi từng tham vấn cho một người tên Nhuận, đã tốt nghiệp đại học, là kỹ sư tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, do tai nạn nên bị liệt nửa người. Từ khi Nhuận nằm viện cho đến lúc về nhà, tôi đã đến vài lần để động viên, đồng thời bày tỏ mong muốn cùng anh vượt qua giai đoạn khó khăn, cũng như chia sẻ cách vận động, sinh hoạt của một người khuyết tật. Tuy nhiên, Nhuận vẫn luôn cho rằng bệnh tật của bản thân chỉ là tình trạng nhất thời, anh sẽ cố tập luyện để trở lại bình thường và không cần đến sự quan tâm của Hội khuyết tật”.

Không chỉ gặp những tình huống thất bại, hoạt động tham vấn đồng cảnh cũng đang lâm vào tình cảnh làm theo kiểu tự phát, không có sự điều phối của tổ chức và thiếu kinh phí thực hiện.

Cần chuyên nghiệp hơn

Những đợt đi tham vấn của Giang hay Hải trước đây được hỗ trợ 50.000 đồng/lần. Nhóm tham vấn đồng cảnh được thành lập từ năm 2010 với 6 thành viên, thuộc dự án của một tổ chức phi chính phủ. Thành viên nhóm là những người khuyết tật có kinh nghiệm sinh hoạt hội, đã được đào tạo kỹ năng giao tiếp và tham vấn. Đội ngũ này chuyên tham vấn về tâm lý, ổn định tư tưởng cho người khuyết tật yên tâm học nghề, làm việc. Tuy nhiên, sau 2 năm, khi dự án kết thúc thì hoạt động của nhóm cũng “chìm” theo.

Hội Người khuyết tật thành phố cũng đã có ý tưởng xây dựng lại hoạt động này; đồng thời kết nối với các bệnh viện, cơ sở phục hồi chức năng để thực hiện tham vấn tại chỗ cho bệnh nhân khuyết tật. Vấn đề khó khăn hiện nay bên cạnh việc thiếu kinh phí là làm sao có lực lượng tham vấn chuyên trách và được đào tạo bài bản hơn về nghiệp vụ.

Nhiều người khuyết tật cho biết, nếu được sự tham vấn tốt, họ sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn hơn là cảm giác đơn độc đối diện với thực tại. Chính tham vấn viên cũng là người khuyết tật nên sự đồng cảm sẽ cao hơn việc họ tìm tới các bác sĩ hay chuyên gia tâm lý.

Từ khi được làm lại cuộc đời nhờ sự chia sẻ của người đồng cảnh ngộ, Trần Ngọc Tuấn cho biết, nếu có công việc tham vấn tại các bệnh viện, anh sẽ rất hạnh phúc được tham gia.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.