10 năm thực hiện Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18-12-2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển giai đoạn 2003-2012, thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tích cực trên các mặt công tác. Phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo biển-đảo và xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới thành phố Đà Nẵng về một số nét cơ bản trong công tác triển khai, những kết quả đạt được trong việc kết hợp bảo đảm kinh tế với quốc phòng-an ninh khu vực biên giới biển cũng như vai trò của lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố trong việc thực hiện Nghị định 161 thời gian qua.
* P.V: Xin đồng chí cho biết công tác triển khai thực hiện Nghị định 161 trên địa bàn thành phố trong thời gian qua?
- Đồng chí Phùng Tấn Viết: Trong những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các lực lượng vũ trang thành phố tiếp tục triển khai xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới biển; đồng thời cụ thể hóa chủ trương, chính sách, Nghị định của Chính phủ bằng việc ban hành Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng-an ninh hằng năm gắn với nhiệm vụ công tác biên phòng. UBND thành phố đã giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố chủ trì, phối hợp với các ngành, các lực lượng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Luật Biên giới quốc gia, Nghị định số 161/2003/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển. UBND thành phố quyết định hợp nhất, kiện toàn Ban Chỉ đạo biển, đảo và Ban Chỉ đạo các chương trình phối hợp xây dựng và bảo vệ khu vực biên giới của thành phố thành Ban Chỉ đạo biển - đảo và xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới thành phố Đà Nẵng; thành lập Chi cục Biển và hải đảo thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, qua đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào việc xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới.
Nhìn chung, công tác triển khai thực hiện Nghị định 161/2003/NĐ-CP trên địa bàn thành phố được tiến hành nghiêm túc, có chất lượng, tạo bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân thành phố về chủ quyền biên giới quốc gia và đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức các hoạt động bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng với yêu cầu bảo vệ chủ quyền biên giới trong tình hình mới; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và Luật Biển Việt Nam.
* P.V: Thực hiện Nghị định 161, thành phố đã đạt được những kết quả nào trong việc kết hợp bảo đảm kinh tế với quốc phòng-an ninh khu vực biên giới biển?
- Đồng chí Phùng Tấn Viết: Là thành phố biển, trong 10 năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ưu tiên bố trí và huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, tập trung quy hoạch và xây dựng hệ thống cảng biển, âu thuyền, cảng cá và kết cấu hạ tầng khác phục vụ phát triển kinh tế biển theo hướng hiện đại, văn minh; nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ từ nguồn vốn ODA để phát triển thành cảng container, cảng trung chuyển của khu vực; triển khai dự án cảng Sơn Trà với diện tích đất sử dụng là 100.334m2, có khả năng tiếp nhận các loại tàu có tải trọng 10.000 DWT cập cảng; cảng Liên Chiểu đang khảo sát, đầu tư; Âu thuyền Thọ Quang tiếp tục được nâng cấp, phục vụ neo đậu 1.500 tàu cá; chợ đầu mối thủy sản đi vào hoạt động hiệu quả; hệ thống đê, kè ven biển được đẩy mạnh đầu tư với 1.708m kè sông, 2.640m kè biển; đường quốc phòng bán đảo Sơn Trà đã hình thành với tổng kinh phí đầu tư đã ghi vốn 208 tỷ đồng và 43 dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đang đi vào hoạt động, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển của thành phố.
Cùng với chú trọng phát triển kinh tế biển, UBND thành phố đã chỉ đạo điều hành các ngành, các lực lượng, trong đó có vai trò tham mưu quan trọng của BĐBP về kết hợp chặt chẽ kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã trực tiếp và phối hợp các ngành tham mưu có hiệu quả cho thành phố trên lĩnh vực kinh tế biển, nhất là động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển sản xuất, tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của Việt Nam. Đến nay đã thành lập, kiện toàn 94 tổ/682 tàu, trong đó vùng khơi 43 tổ/182 tàu, vùng lộng 26 tổ/218 tàu và vùng bờ 25 tổ/282 tàu; lắp đặt 2 trạm bờ tích hợp định vị vệ tinh tại ngành Nông nghiệp và BĐBP; hỗ trợ 97 máy thông tin Icom cho các tổ khai thác hải sản xa bờ; hỗ trợ 100% bảo hiểm thuyền viên cho 100% lao động biển, hỗ trợ đóng mới, thay máy, bị thiên tai trên biển với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, góp phần đáng kể giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất tại ngư trường xa, kết hợp với tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. UBND thành phố giao nhiệm vụ cho BCH Quân sự, BĐBP, các ngành, các địa phương khảo sát, động viên ngư dân sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; thành lập, tổ chức huấn luyện và duy trì hoạt động 2 trung đội dân quân biển tại quận Sơn Trà và Thanh Khê. Thành phố cơ bản đáp ứng nhanh, chất lượng nhân lực và tàu thuyền khi được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền.
Về thực hiện nhiệm vụ tác chiến phòng thủ, Thành ủy, UBND thành phố đặc biệt quan tâm trên cơ sở quán triệt nghiêm túc Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, Quyết định số 17/2012/QĐ-TTg ngày 26-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hoạt động của các lực lượng trong khu vực phòng thủ; lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên tổ chức hiệp đồng tác chiến, diễn tập vận hành cơ chế, có thực binh cấp thành phố và các quận, huyện. Thành phố đã tổ chức tốt cuộc diễn tập PT-08, có sự tham gia tích cực, chất lượng của BĐBP thành phố trong đánh địch đột nhập đường biển; các lực lượng đã phối hợp tốt trong công tác quản lý, bảo vệ các công trình phòng thủ, diễn tập sóng thần; tổ chức nạo vét giao thông hào, trận địa, điểm tựa, công trình chiến đấu bảo đảm sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
* P.V: Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đồng chí đánh giá vai trò của BĐBP thành phố trong việc thực hiện Nghị định 161 thời gian qua?
- Đồng chí Phùng Tấn Viết: Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, trong những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân sự, các sở, ban, ngành, địa phương biên giới làm tốt công tác tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 161/2003/NĐ-CP, xây dựng và củng cố an ninh, quốc phòng ở khu vực biên giới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó với các tổ chức, công dân nước ngoài ra, vào, đầu tư, hợp tác ở khu vực biên giới biển. Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về chủ quyền biển, đảo trong quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức, biện pháp linh hoạt, biên soạn tài liệu đưa vào nội dung giảng dạy quốc phòng - an ninh, tài liệu hỏi đáp cung cấp cho các tổ dân phố địa bàn biên phòng, các tổ khai thác hải sản trên biển; tuyên truyền thông qua sinh hoạt, tọa đàm, nói chuyện thời sự, lễ hội, câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, giao lưu văn hóa văn nghệ...; phối hợp với các ngành tổ chức hội thi “Tuổi trẻ Đà Nẵng với chủ quyền biên giới, biển, đảo Tổ quốc”, “Tìm hiểu pháp luật về biên giới quốc gia” thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố tham gia, góp phần đáng kể nâng cao nhận thức về chủ quyền biên giới quốc gia trong nhân dân.
Thành phố ghi nhận những đóng góp quan trọng của BĐBP trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Tham mưu cho thành phố xây dựng các mô hình thiết thực, hiệu quả như “Điểm sáng văn hóa trên khu vực biên giới, bờ biển, hải đảo”, “Tổ tàu thuyền đoàn kết an toàn”, “Bến bãi tự quản văn hóa”, “Âu thuyền cảng cá văn hóa”, các “Khu dân cư văn hóa biển” trên các phường biên giới… Các Đồn Biên phòng trên tuyến biên giới biển đã thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo biển, đảo và xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới, các tổ chức đoàn thể, quần chúng; tham gia tích cực, hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
* P.V: Đồng chí cho biết việc thực hiện Nghị định 161 trên địa bàn thành phố trong thời gian tới?
- Đồng chí Phùng Tấn Viết: Quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Để tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Nghị định 161/2003/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới biển, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong tình hình mới, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định, kết hợp tuyên truyền Luật Biển Việt Nam, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 bằng nhiều hình thức, chú trọng tuyên truyền trực quan bằng panô khẳng định chủ quyền của ta đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhằm nâng cao ý thức về chủ quyền quốc gia, chấp hành pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống mọi âm mưu “Diễn biến hòa bình” của địch, phát hiện tố giác các hành vi vi phạm chủ quyền biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân vững mạnh. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, phát triển mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới biển. Tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục đầu tư cho công tác đào tạo, giáo dục; văn hóa, xã hội gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vùng biển, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật nói chung, Luật Biên giới quốc gia và Luật Biển Việt Nam nói riêng.
Để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền trên biển và khu vực biên giới biển phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành. Phải thực sự gắn phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng ở khu vực biên giới biển, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trong tình hình mới.
* P.V: Xin cảm ơn đồng chí.
THANH GIÁN thực hiện