“Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” là nội dung chính trong phong trào “3 sạch” đang được Hội LHPN huyện Hòa Vang triển khai thực hiện nhằm giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, góp phần hoàn thiện tiêu chí về môi trường, xây dựng thành công nông thôn mới (NTM).
Cụ Nguyễn Thị Đấu chăm lo quét nhà cửa, vườn tược... để căn nhà của mình lúc nào cũng ấm cúng, sạch sẽ. |
Mọi nhà đều sạch
Có mặt tại xã Hòa Châu trong một ngày nắng ấm đầu tháng 12, băng qua con đường bê-tông nội đồng, chúng tôi vào đến thôn Phong Nam, một trong 8 thôn của xã Hòa Châu đi đầu trong việc thực hiện phong trào “3 sạch”. Mặc dầu giữa cái nắng của buổi trưa nhưng con đường làng dẫn chúng tôi vào với các hộ dân Phong Nam lại rất mát mẻ, bởi được che phủ bằng những tán tre và dừa dọc 2 bên đường liên thôn. Dừng chân trước căn nhà của cụ bà Nguyễn Thị Đấu (tổ 8), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước không gian thoáng đãng và rất sạch sẽ từ ngoài ngõ vào đến trong nhà. Lúc chúng tôi vào thăm nhà cụ, các con đều đi làm, đứa cháu nội đi học, chỉ mình cụ cặm cụi lau chùi từng chiếc ly, tách ở sau nhà. Nghỉ tay dẫn chúng tôi vào nhà uống nước, cụ khoe: “Nhà sạch thì mát/ Bát sạch ngon cơm”, cha ông ta từ xưa dạy vậy nên trong gia đình tôi từ người già đến trẻ nhỏ, dù gái hay trai đều ý thức được việc giữ gìn sạch sẽ, gọn gàng nhà cửa, bếp núc. Cứ mỗi sáng, cả gia đình lại cùng dậy sớm, người chuẩn bị bữa ăn, người lo quét nhà cửa, vườn tược, tưới cây… để căn nhà của mình lúc nào cũng ấm cúng, sạch sẽ”.
Nhà cụ Đấu mặc dù đã cũ kỹ, các màu sơn đã úa vàng theo năm tháng, mọi đồ dùng trong nhà cũng rất cũ, song tất cả đều ngăn nắp, gọn gàng, sạch mát. Trong nhà sạch đã đành, ngay cả ngoài vườn, ngoài ngõ tuy cây trái nhiều nhưng hiếm có chiếc lá khô, lá vàng nào còn vương lại trên cành, bởi ngày nào cụ Đấu và cô con dâu cũng chăm chỉ quét dọn. Đi cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Châu, cho biết: Phong Nam là 1 trong 8 thôn đi đầu trong việc thực hiện phong trào “3 sạch” rất hiệu quả. Không chỉ phụ nữ mà phong trào “3 sạch” đã đến với mọi người, khiến ai cũng ý thức được việc giữ gìn nhà cửa, bếp núc, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ là việc làm đương nhiên của mình. Vì thế, “3 sạch” đã thực sự trở thành một nếp sống đẹp rất quen thuộc với các gia đình Phong Nam nói riêng, Hòa Châu và cả huyện Hòa Vang nói chung.
Duy trì thực hiện
Phong trào “3 sạch” đã nhận được sự nhất trí cao của từng chi hội phụ nữ, từng gia đình và từng cá nhân trong toàn huyện. Hầu hết các gia đình đều đã thực hiện về “3 sạch”: nhà luôn sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, có nhà tắm, nhà vệ sinh hợp quy cách theo tiêu chí xây dựng NTM. Trong nhà bố trí hợp lý bếp ăn, bảo đảm vệ sinh; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc, bảo đảm sức khỏe mọi thành viên trong gia đình. Ngoài nhà, vườn tược, ngõ ra vào luôn sạch sẽ. Hội LHPN huyện Hòa Vang còn lồng ghép vào các chương trình như “Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp” với các hình thức: dọn vệ sinh, trồng hoa, cây cảnh các tuyến đường của thôn, khu dân cư, khu vực chợ ...; triển khai mô hình “Thôn không có rác bừa bãi trong cộng đồng dân cư”. Đặc biệt, tranh thủ huy động nhiều nguồn lực, các gia đình xây dựng công trình vệ sinh đúng quy định. Đa số các gia đình ý thức được việc bảo vệ môi trường thông thoáng, sạch sẽ sẽ mang lại niềm vui, sức khỏe cho gia đình mình và cộng đồng xung quanh.
Đánh giá về phong trào này, chị Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang, cho biết: “3 sạch” là một mô hình gần gũi và sát thực với chị em, bởi họ chính là những người chủ chốt làm cho ngôi nhà mình thêm sạch đẹp, ấm cúng. Trong thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền vận động để phong trào “3 sạch” duy trì lâu dài, ổn định, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Theo số liệu từ Hội LHPN huyện Hòa Vang, tính đến cuối tháng 10-2012, bằng nhiều nguồn lực hỗ trợ, các cấp Hội Phụ nữ đã vận động xây dựng 918 công trình vệ sinh, với tổng số tiền trên 6,5 tỷ đồng; trong đó vận động từ nguồn vốn vay Hội LHPN thành phố gần 1,3 tỷ đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 300 triệu đồng, Sở Y tế 160 triệu đồng, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố 30 triệu đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội trên 2,5 tỷ đồng, các nguồn khác trên 200 triệu đồng, nguồn vốn của hội viên 1,9 tỷ đồng... |
Bài và ảnh: THANH TÌNH