Thu gom rác thải tại các hộ dân ở thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến. |
Đường rộng
Từ trước đến nay, giao thông là hạng mục được Hòa Vang ưu tiên nhất. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng (chủ yếu từ ngân sách Nhà nước và thành phố). Đến nay, hệ thống đường sá, cầu cống khá hoàn thiện, đồng bộ. Triển khai xây dựng nông thôn theo bộ tiêu chí mới, huyện Hòa Vang chủ trương tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên xã, liên thôn, kiệt hẻm và hệ thống giao thông nội đồng. Phong trào hiến đất, đóng góp công sức, tiền của đáp ứng nhu cầu nâng cấp, mở rộng kiệt xóm dấy lên sôi động tại tất cả 11 xã. Thành phố hỗ trợ xi-măng, nhân dân tự giải phóng mặt bằng, đóng góp cát, sỏi, tự tổ chức thi công, từ năm 2009 đến nay, với tổng kinh phí 26 tỷ đồng, trong đó thành phố đầu tư 13 tỷ đồng, còn lại là đóng góp của nhân dân, 45km đường liên xã, 34km đường liên thôn và 67km kiệt xóm được bê-tông hóa hoặc thâm nhập nhựa. Từ chỗ chỉ rộng 2 - 3,5m, nay đường bê-tông dài, rộng 4 - 5m.
Tổng vốn đầu tư lồng ghép xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang năm 2012 là 138,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương 37,5 tỷ đồng, ngân sách thành phố 75,7 tỷ đồng, ngân sách huyện 15,1 tỷ đồng, tổ chức khác 5,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 4,5 tỷ đồng. |
Huyện Hòa Vang còn lắp đặt hệ thống đèn đường trên các tuyến do huyện quản lý. Đến nay, khoảng 20 tuyến đường tại 11 xã đã có hệ thống điện đường với tổng kinh phí đầu tư 5,28 tỷ đồng. Nhiều nhất là 3 xã đồng bằng Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước. Đường ngược lên các xã miền núi Hòa Liên, Hòa Bắc, đêm đến cũng sáng trưng bởi đèn cao áp.
Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, cho rằng bộ mặt nông thôn ở Hòa Vang đổi thay từng ngày. Có kết quả này, ngoài sức dân, Hòa Vang tiếp nhận sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đến nay, 50 đơn vị đã đăng ký giúp đỡ Hòa Vang xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí 87,16 tỷ đồng. Nhiều đơn vị đã chuyển tiền về huyện, hoặc trực tiếp đầu tư xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn. Chỉ riêng công tác dân vận xây dựng nông thôn mới, từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 1.270 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội và đoàn viên thanh niên ở các quận nội thành về các thôn ở Hòa Vang giúp địa phương triển khai xây dựng các công trình dân sinh, trong đó chủ yếu nâng cấp mở rộng đường sá…
Cải thiện môi trường sống
Bảo đảm môi trường trong lành, sạch đẹp, hài hòa và thân thiện là một trong 3 khâu đột phá của chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang giai đoạn 2012-2015. Sau hơn 2 năm triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, môi trường sinh thái ở Hòa Vang đã chuyển biến tích cực. Đề án “Thu gom rác thải trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2015” triển khai đã tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hiệu quả mô hình “Thôn không rác” đã đem lại không gian trong lành, sạch đẹp tại các làng quê.
Đến nay, có 3 xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước đạt 13 -15 tiêu chí; 4 xã Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Nhơn, Hòa Ninh đạt 9 - 12 tiêu chí; 4 xã Hòa Sơn, Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Liên đạt 6 - 8 tiêu chí. So năm 2010, xã Hòa Phước tăng 6 tiêu chí; Hòa Sơn, Hòa Ninh tăng 4 tiêu chí; Hòa Châu, Hòa Phong, Hòa Bắc, Hòa Khương tăng 2 tiêu chí; 2 xã Hòa Phú, Hòa Nhơn tăng 1 tiêu chí. |
Đến nay, mỗi thôn có 2 - 3 điểm tập kết rác do nhân dân tự quyên góp vật liệu xây dựng. Năm 2011, trên địa bàn huyện có 43,8% số hộ dân tham gia thu gom rác thải, trả phí, tăng 13,8% so năm 2010. Hằng ngày, tổ thu gom rác của thôn đến lấy đưa về điểm tập kết. Cứ 2 ngày/lần, Xí nghiệp Vệ sinh môi trường huyện đến thu gom hết rác tại các thôn. Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp được duy trì đều đặn. Trên các cánh đồng có các thùng thu gom bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật.
Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), Phong Nam (xã Hòa Châu) là 2 thôn được chọn triển khai mô hình “Thôn không rác”. Ông Nguyễn Hữu Cẩm, Trưởng thôn Cẩm Nê cho biết, kể từ khi triển khai mô hình, không chỉ khu dân cư thường xuyên sạch đẹp, mà ý thức trách nhiệm của người dân nâng lên rõ rệt. Không ít người cao tuổi là tấm gương cho lớp trẻ.
Từ nhiều năm nay, hầu như hộ chăn nuôi quy mô lớn nào cũng có hầm bioga. Dự án Nâng cao chất lượng nông sản và khí sinh học (QSEAP) do Sở NN&PTNT triển khai, Ngân hàng NN&PTNT hỗ trợ vốn vay ưu đãi đã góp phần rất lớn giúp các hộ chăn nuôi giải quyết được khó khăn trong khâu xử lý chất thải.
Số liệu từ Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cho biết, đến nay, khoảng 30% số hộ ở Hòa Vang đã được công ty đưa nước đến tận nhà. Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Hòa Vang, năm 2011, trên địa bàn có 75% số hộ dùng nước hợp vệ sinh. Con số này sẽ tăng lên 87% cuối năm nay.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn Hòa Vang, nhất là hoạt động khai thác đất đá, đã có chuyển biến tích cực trong bảo vệ môi trường. Các DN đã đóng góp nhiều tỷ đồng xây dựng đường sá, như đường từ quốc lộ 14B đi hàng chục mỏ đá ở thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn) đã được các DN đầu tư thảm nhựa 4km. Phong trào trồng cây tạo cảnh quan môi trường cũng được người dân đặc biệt quan tâm.
Có thể nói, với ba mũi đột phá là xây dựng nền nông nghiệp đô thị, giao thông và môi trường, chương trình xây dựng nông thôn ở Hòa Vang đã đem lại cuộc sống no ấm hơn cho người dân.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU