.

Cuối năm bến cóc, xe nhồi...

.

Những ngày cuối năm, khi nhu cầu đi lại của người dân bắt đầu tăng cũng là lúc tình trạng xe nhồi, xe nhét, xe quần đảo tái diễn. Năm nay số xe nhồi, xe nhét của các tỉnh, thành hoạt động trên địa bàn thành phố nhiều hơn và họ cũng có rất nhiều “chiêu” để đối phó với lực lượng CSGT...

Xe đón khách trên đường Trường Chinh (đoạn gần ngã ba Huế) - một trong những điểm nóng về “bến cóc” của Đà Nẵng.                          Ảnh: T.S
Xe đón khách trên đường Trường Chinh (đoạn gần ngã ba Huế) - một trong những điểm nóng về “bến cóc” của Đà Nẵng.                                                                                                                                                  Ảnh: T.S

Những chuyến xe nhồi

5 giờ sáng một ngày đầu năm 2013, chúng tôi cùng những người khách khác đứng đón xe về quê tại Công viên 29-3 như đã hẹn. “Bình thường muốn đi xe thì phải đi mua vé, nhưng nay về quê đồ đạc nhiều lại có con nhỏ, nghe nói có xe đón trả khách tận nhà nên yên tâm đi luôn”, một hành khách trạc 30 tuổi bồng theo đứa con nhỏ cho biết. Chiếc điện thoại trên tay vừa rung lên, tôi vội nghe: “Xe chị sắp đến rồi em nghe, ráng đợi chút nhé, nhớ là biển số 73B-00…, đừng lên nhầm xe khác…”. Một lúc sau, chiếc xe 24 chỗ dừng ngay trước mặt, chưa kịp định hình có phải xe mình đã hẹn không thì anh phụ xe đã vội xách va ly cho vào sau cốp và đẩy tôi cùng những hành khách khác lên xe. Hành khách có con nhỏ lúc nãy nói với: “Anh ơi, em có con nhỏ lại bị say xe, cho em lên ngồi trước đi, em đã điện trước rồi mà. Anh phụ xe gắt: “Đó là chỗ ngồi “lý tưởng” nhất rồi đó, xíu nữa không có chỗ mà thở nữa mô…”.

Trên xe lúc này đã khá chật, nhưng không phải vì thế mà nhà xe chạy thẳng lên bến. Từ 5 giờ 30, tôi thấy xe còn chạy lòng vòng, len lỏi vào các con đường, ngõ hẻm để đón khách. Vào đến bến, lúc này các xe đã được bố trí hợp lý tại từng địa điểm. Thấy khách trên xe nháo nhào đòi xuống, anh phụ xe nhắc nhở: “Ngồi yên vị trí, đừng đi đâu, xe hôm nay chạy sớm”. Mặc dù trên xe đã đầy khách nhưng vừa xuất bến, lái và phụ xe còn cố vớt vát thêm vài khách dọc đường.

Dọc đoạn đường từ Tôn Đức Thắng đến Nguyễn Lương Bằng, rất nhiều khách đứng vẫy xe. Từ đằng xa, lái xe liên tục bấm đèn xi-nhan, tấp vội vào lề đường đón khách. Lúc này, lái xe vẫn chạy chậm, còn người phụ xe đẩy cửa kính, ló đầu ra hỏi khách “Đi đâu?”. “Em đi Huế”. “Huế à, nhiều đồ ri, thôi đi xe sau”. Chiếc xe chạy tiếp một đoạn, phụ xe lại hỏi: “Đi đâu?”. “Em đi Quảng Trị, còn chỗ không anh?”. “Lên đi!”. Rồi miệng vừa nói, tay vừa xách hành lý của khách sắp xếp vào một chỗ sau cốp xe rồi quay lại đẩy nhanh người khách lên xe, mặc cho 2 bên đường người qua lại tấp nập. Đi thêm vài chặng nữa vẫn cảnh tương tự kèm theo những tiếng thúc giục của người lái xe “Nhanh lên! Công an đến giờ!”. Xe lúc này đã chật ních người, hầu như không có chỗ để chân nữa. Thậm chí, khách ngồi cả trên các bình đựng nước uống và sau cốp xe… Mấy người khách hay đi tuyến này nói với nhau: Vào những ngày này, khách đông nên nhà xe rất “kén khách”, chỉ chọn khách ở xa hơn để chạy nhanh, ít đỗ trả khách. Những ngày cận Tết, cao điểm nhà xe sẽ thường “chạy nhanh, vượt ẩu” để kịp “quay đầu” sao cho 1 ngày được 2 chuyến khách. Cũng vì thế nên xe nào hành khách cũng bị nhét, bị nhồi.

Nhiều “chiêu” đối phó

Chiều 16-1 chúng tôi đến Bến xe Đà Nẵng. Trước cổng bến, xe khách ra vào liên tục nhưng không hề có hiện tượng xe dừng lại trước cổng đón, trả khách và cánh xe ôm cũng rất trật tự đứng chờ khách chứ không bu bám như trước đây. Thế nhưng chỉ cần rời bến xe khoảng 100 mét thì các xe khách mang biển kiểm soát các tỉnh lập tức trở thành xe dù chạy từ từ và có đoạn dừng hẳn trên đường, các phụ xe thì đứng hẳn xuống đường.

CSGT cửa ô Kim Liên kiểm tra xe khách trên tuyến Bắc-Nam.
CSGT cửa ô Kim Liên kiểm tra xe khách trên tuyến Bắc-Nam.

Một đoạn ngắn trên đường Tôn Đức Thắng cùng lúc có đến 3 xe mang BKS 75K 119…, 75K 048… và xe 74K 424… đỗ thành hàng dài, trong khi các phụ xe thì đứng ra giữa đường miệng cứ la hét oang oang “Đi Huế à? Lên đi!”, “Đi Quảng Bình không?”. Chưa đến 10 phút, những xe này đã đón thêm được 7 hành khách. Chiếc xe 75K 048… còn kiếm thêm được 2 hành khách do xe ôm chở tới. Bất ngờ, cả 3 chiếc xe đều lăn bánh và tăng tốc, lúc này nhìn lại chúng tôi phát hiện một chiếc xe của Đội Cảnh sát trật tự chốt trực trước cổng bến xe chạy đến. Bác chủ quán nước giải khát ven đường nói với chúng tôi: “Giống như bắt cóc bỏ dĩa thôi chú ơi! Mấy nhà xe ni đều được cánh xe ôm canh chừng Cảnh sát giao thông (CSGT) rồi, hễ thấy họ nổ máy chuẩn bị đi kiểm tra thì xe ôm báo ngay, vì thế có giải quyết được chi mô”.

8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục đến “bến xe cóc” khá nổi tiếng của thành phố trên đường Trường Chinh, đoạn gần Ngã ba Huế. Lúc này lực lượng CSGT Trạm cửa ô Hòa Phước có hai người đang làm nhiệm vụ, thế nhưng ở phía bên kia đường thì hai xe khách mang BKS 49K 276… và 76K 112… vẫn đậu xe thành hàng dọc ra giữa đường đón khách, mặc cho các xe khác chạy qua đây bấm còi inh ỏi. Trung tá Lê Nho Tấn, Phó trạm CSGT cửa ô Hòa Phước đang làm nhiệm vụ tại đây cho biết: Chỉ cần chúng tôi lên xe chuẩn bị đến thì họ đã lăn bánh rồi. Muốn phạt họ thì phải bắt đúng lúc họ đón khách đưa lên xe, nhưng nhất cử nhất động của chúng tôi đều được họ thông báo cho nhau kịp thời. Một Cảnh sát trật tự chốt trực trước khu vực Bến xe Đà Nẵng phân trần: Chỉ có thể phạt họ lúc đón khách lên xe thôi, chứ lúc họ đỗ xe thì không xử phạt được vì tại đây không có biển “cấm đỗ”.

Có lẽ nắm được quy định này mà hiện nay trên địa bàn thành phố đã xuất hiện khá nhiều “bến xe cóc” kiểu tốc hành như vậy. Tại các điểm “bến xe cóc” như khu vực trước Bệnh viện C17, Bệnh viên Hoàn Mỹ, Cảng cá Thọ Quang đều hoạt động không theo một quy luật nào cả. Chủ yếu khi nào khách có nhu cầu là xe đến đón và lập tức “rời bến” ngay. Điều này khiến cho việc kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn và không hiệu quả.

Câu chuyện xe dù, bến cóc hay xe nhồi, xe nhét hành khách rồi quần đảo đón khách, có thể nói là rất cũ. Cơ quan chức năng đã nỗ lực rất nhiều, thế nhưng kết quả không cao. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo chúng tôi, mấu chốt nằm ở chỗ vận tải công cộng của thành phố chưa đủ sức lan tỏa đến tất cả các khu vực dân cư. Vì vậy mỗi khi muốn đến bến xe thì hành khách phải đi xe ôm, hoặc taxi, chính lỗ hổng này mà xe dù, bến cóc có đất để sống.

Bài và ảnh: THANH SƠN - THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.