Ông Đỗ Thành Nhân, hội viên Hội Luật gia thành phố:
Nhà nước phải bảo đảm cho hoạt động của Mặt trận
Trong nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 đã đưa vào Điều 9 quy định MTTQ Việt Nam có chức năng giám sát và phản biện xã hội (GS&PBXH). Đây sẽ là cơ sở để sau này cụ thể hóa thành luật GS&PBXH của Mặt trận. Tuy nhiên, đối tượng GS&PBXH của Mặt trận còn thiếu, cần bổ sung tổ chức Đảng và đảng viên là đối tượng GS&PBXH. Phải bổ sung thì Điều 9 mới thống nhất với Điều 2 và Điều 4. Tại Điều 2 Dự thảo sửa đổi HP đã khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Tại khoản 2, Điều 4 đã ghi rõ: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Trong thực tiễn thì MTTQ Việt Nam đã thí điểm ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện Quy chế giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư đã 5 năm (2008-2012) rồi và được đánh giá là có hiệu quả tốt. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý văn kiện Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ cũng là một hình thức nhân dân GS&PBXH đối với hoạt động của Đảng. Nói tóm lại, nhân dân đã thừa nhận quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng được ghi trong HP (tại Điều 4) thì quyền giám sát của nhân dân đối với tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng phải được ghi rõ trong HP.
Khoản 3, Điều 9 dự thảo sửa đổi HP quy định: Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác hoạt động. Theo tôi, nên thay cụm từ tạo điều kiện thành cụm từ bảo đảm. Tức Nhà nước phải bảo đảm để MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác hoạt động. Một văn bản luật mà có cụm từ tạo điều kiện dễ tạo ra sự mập mờ, không rõ ràng. Do đó thay bằng cụm từ bảo đảm sẽ cho quy định của luật chặt chẽ hơn.
SƠN TRUNG (ghi)