Mở chuyên mục góp ý trên phương tiện thông tin đại chúng
Chiều 14-1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ chủ trì Hội nghị của Thành ủy triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy; đại diện lãnh đạo các ban, ngành, tổ chức, địa phương của thành phố.
Đồng chí Trần Thọ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN THÀNH |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ quán triệt rõ Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị về lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; trong đó nhấn mạnh những vấn đề như: Phải xem đây là một nội dung sinh hoạt chính trị và pháp lý quan trọng; phải bám vào Nghị quyết số 38 của Quốc hội (khóa XIII) và dự thảo sửa đổi Hiến pháp, không nói ngoài nội dung; tập hợp ý kiến đầy đủ, chính xác, đúng tiến độ; kịp thời đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia góp ý để huy động trí tuệ toàn Đảng, toàn dân...
Đồng chí cũng nêu bật ý nghĩa, yêu cầu, quan điểm của việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo đó, do tình hình trong nước và bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, đặc biệt là Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra mục tiêu, định hướng phát triển đất nước một cách toàn diện và bền vững; vì vậy cần phải sửa đổi Hiến pháp 1992 để phù hợp với tình hình, bảo đảm đồng bộ đổi mới chính trị với kinh tế, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng và bảo vệ đất nước, tích cực hội nhập quốc tế. Yêu cầu của sửa đổi Hiến pháp là phải tiếp tục khẳng định những nội dung có tính bản chất của chế độ như: quyền dân chủ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân...; thể chế hóa các quan điểm của Đảng; bảo đảm Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.
Quan điểm sửa đổi Hiến pháp là trên cơ sở tổng kết Hiến pháp 1992 có kế thừa, sửa đổi và bổ sung; khẳng định bản chất, mô hình tổng thể của hệ thống chính trị; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới kinh tế đồng bộ với đổi mới chính trị; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; Đảng phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huỳnh Nghĩa triển khai những nội dung chính của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần tập trung nghiên cứu, góp ý, nhất là những vấn đề mới. Đó là những vấn đề liên quan chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; về bộ máy Nhà nước; về Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện KSND; về chính quyền địa phương; về Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp... Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương, 124 điều; giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi và bổ sung 99 điều, bổ sung 11 điều mới so với Hiến pháp 1992.
Theo dự thảo kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân của UBND thành phố về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương trình bày, nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với hình thức cơ bản: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo và tọa đàm; phiếu khảo sát lấy ý kiến; nhân dân góp ý trực tiếp trong hội nghị tổ dân phố, khu dân cư; mở chuyên mục góp ý trên các cơ quan thông tin đại chúng: Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng, Báo Công an Đà Nẵng, Cổng Thông tin điện tử thành phố. Việc thiết kế chuyên mục phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân góp ý và tổng hợp ý kiến gửi cho Sở Tư pháp. Sở Tư pháp thành phố là thường trực Tổ giúp việc giúp UBND trong việc thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân.
Tiến độ thực hiện được quy định: Các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch và triển khai việc tổ chức lấy ý kiến trước ngày 20-1; các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến phải hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến trước ngày 28-2-2013 và gửi báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý về Sở Tư pháp trước ngày 5-3-2013; các cơ quan, đơn vị được yêu cầu góp ý trực tiếp bằng văn bản có trách nhiệm hoàn thành việc góp ý kiến trước ngày 28-2-2013 gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp ý kiến; việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân dưới hình thức phiếu khảo sát phải hoàn thành trước ngày 1-3-2013; tổ giúp việc tham mưu cho UBND thành phố hoàn thành dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp trước ngày 10-3-2013.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh, công tác tư tưởng, tuyên truyền cần phải tạo nhận thức chung và nêu bật ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng, lộ trình… của việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân; bảo đảm việc lấy ý kiến phải dân chủ và thực chất; phát huy tối đa quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng chống phá Đảng và Nhà nước… Đồng chí đề nghị cần phải có hình thức linh hoạt để tiếp nhận đầy đủ, trung thực, chất lượng ý kiến của nhân dân; các cấp lãnh đạo phải tạo điều kiện để người dân tham gia góp ý; mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên cần phải tuyên truyền, vận động nhân dân góp ý, đồng thời nêu gương trong việc tham gia đóng góp ý kiến; các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng phải tổ chức thông tin, vận động nhân dân góp ý, giúp nhân dân tiếp cận với các văn bản liên quan và tiếp nhận góp ý; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hướng dẫn, khơi gợi những vấn đề cần góp ý đồng thời giải đáp những thắc mắc của nhân dân. Trong sinh hoạt Đảng, đoàn thể, các tổ chức phải quán triệt, tổ chức góp ý kiến và xem đây là nội dung sinh hoạt quan trọng.
Kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ đề nghị các cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải quán triệt nghiêm túc việc lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; cung cấp tài liệu cần thiết đến tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ; bám sát kế hoạch của thành phố để triển khai và tổ chức thực hiện. Các cấp ủy tổ chức các bước, các hội nghị có chất lượng để nhân dân tham gia góp ý, chú ý ở những đơn vị tham gia chuyên sâu và các sở, ngành liên quan để phát huy tối đa trí tuệ của cán bộ, đảng viên, nhân dân; linh hoạt trong lựa chọn vấn đề để tranh thủ ý kiến của nhân dân.
Việc tập hợp ý kiến báo cáo phải đầy đủ, chính xác, đúng tiến độ. Cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo việc lấy ý kiến nhân dân, không “giao khoán” cho các ngành, đoàn thể. Sở Tư pháp thành phố là cơ quan thường trực Tổ giúp việc cho UBND thành phố phải lựa chọn cán bộ, nhân viên đủ số lượng và có kinh nghiệm trong tập hợp ý kiến, đồng thời hướng dẫn cho cấp dưới trong tổng hợp ý kiến. Các cơ quan báo, đài thành phố phải đăng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; mở chuyên mục đóng góp ý kiến của nhân dân. UBND thành phố bảo đảm ngân sách Nhà nước trong quá trình thực hiện theo đúng quy định. Theo đồng chí Trần Thọ, phương châm tham gia góp ý phải bảo đảm: Nghiên cứu, tham gia kỹ lưỡng; tập hợp đầy đủ, chính xác; thái độ tiếp thu tối đa.
N.THÀNH