.

Mùa xuân và ngọn lửa

.

Mùa xuân đang đến theo lẽ tuần hoàn vô thường của đất trời. Người Đà Nẵng đón xuân ngoài lẽ ấy còn một cơ duyên lịch sử lớn: Ngày 29-3 năm Mão (1975), Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng.

Gần 40 năm qua, bao giờ đến ngày ấy - mùa xuân, Đà Nẵng lại rạo rực, phấn chấn với những công trình lớn, những sự kiện đáng nhớ.

Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Thế hệ những người Đà Nẵng trưởng thành xuyên hai thiên niên kỷ có lẽ chẳng ai là không khắc ghi ngày 29-3-2000 - ngày khánh thành cầu Sông Hàn.

Dù từ lâu chúng ta đã quen với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhưng chưa bao giờ một công trình lớn lại đích thực là của nhân dân như cầu Sông Hàn.

Quên sao được ngày ấy trời trong, nắng vàng, hàng vạn người Đà Nẵng đổ về đây ôm nhau nắm tay nhau cười vui mà trào nước mắt. Ông Sáu Nam, vị Chủ tịch lừng lẫy một thời với bao công tích, ngồi trên xe lăn nhìn cả biển người vui tươi, hồ hởi, cất cao giọng vang ấm: “Cái anh chàng này nói nhiều chuyện thật ngộ nhưng quyết làm thì không ai bằng”. Bà mẹ Cẩm Lệ bảo con đưa đến tận giữa cầu nhìn dòng sông, nhìn dòng người chen vai thích cánh trong đồng cảm yêu thương mà nhớ miên man về những năm tháng con sông này nước xanh như tàu lá.

Mười ba năm rồi, Đà Nẵng đã có thêm bao cây cầu mà sự hiện đại, tầm hoành tráng, vẻ đẹp đem đến cho dòng Hàn, cho thành phố vượt lên cầu Sông Hàn không biết mấy lần, nhưng tại sao tôi vẫn chọn cầu Sông Hàn là cây cầu đáng yêu nhất. Nhiều lúc đi qua cầu, tôi lại đọc thầm mấy câu thơ của Chế Lan Viên “Ta với cây cầu này như đứa trẻ sinh đôi” và có phải là chịu quá nặng ảnh hưởng của Chế mà tôi có tâm thế “Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”, dù Thuận Phước, Tiên Sơn, dù cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý… thì với tôi cây cầu Sông Hàn vẫn cứ đẹp nhất.

Mùa xuân này, tôi không nói với bạn về những cây cầu, cả về cầu Rồng đang vẽ lên trời nước sắc vàng dáng uốn lượn thật cường tráng và còn sẽ phun lửa rực sáng hằng đêm mà xin nói với bạn về một công trình không xôn xao, có khi rất lặng lẽ nhưng giá trị nhân văn của nó không gì sánh bằng, nó là cây cầu kết nối những trái tim, những tấm lòng.

Đi theo con đường ven biển Nguyễn Tất Thành về phía Hải Vân, qua cầu Phú Lộc, rồi rẽ vào đường Phùng Hưng chừng 1km, bạn sẽ thấy một tòa nhà cực lớn hình cánh cung như một vòng tay rộng mở và sẵn sàng đón mời. Tòa nhà gồm 3 khối, khu điều trị nội trú 11 tầng, khu hành chính và hội trường 4 tầng, khu kỹ thuật nghiệp vụ 3 tầng… Tất cả đều bao bọc bởi những mảng nhôm kính bóng loáng ánh lên một màu xanh gần gũi. Bên cạnh đó còn hai khối nhà dáng dấp như các chung cư hiện đại: Khu lưu trú thân nhân người bệnh và khu chung cư dành cho cán bộ, nhân viên bệnh viện. Bên cạnh khu này sẽ xây dựng khu biệt thự (có bể bơi và sân quần vợt) dành cho chuyên gia trong và ngoài nước  được mời về cộng tác với bệnh viện.

Dẫu biết chắc rằng người kiến trúc sư thiết kế công trình này nắm vững các quy chuẩn trong xây dựng một bệnh viện hiện đại lại là bệnh viện chuyên khoa ung bướu đặc biệt mà các dây chuyền công năng phải liên kết thành một chuỗi hợp lý, khoa học, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu nghiêm ngặt về điện, nước, hóa trị, xạ trị, xử lý chất thải, nước thải, thân thiện với môi trường, tạo những tiện ích cao nhất, thuận lợi nhất cho người bệnh và cho các thầy thuốc… nhưng tôi vẫn thật lòng lo lắng. Bệnh viện quá lớn và được trang bị hiện đại, có những thiết bị mới nhất lần đầu tới Việt Nam.

Các đồng chí ở bệnh viện nói rằng, muốn bệnh viện đón bệnh nhân hoạt động một thời gian coi như chạy rô-đa, rồi mới khánh thành nhưng vì nhiều lý do, quãng thời gian rô-đa mấy tháng ấy chỉ còn lại mấy ngày.

Mong sao mọi sự đều tốt lành cho hôm nay và cả mai sau. Nhất định sẽ là như vậy.

Có một bệnh viện ung thư phục vụ nhân dân Đà Nẵng và cả miền Trung, yêu cầu này ngày càng bức xúc. Y học hiện đại chỉ rõ nếu việc tầm soát ung thư được phổ biến, căn bệnh ác hiểm này được phát hiện sớm thì khả năng đẩy lùi, khống chế càng lớn. Với y học ngày nay, các phương pháp điều trị luôn được đổi mới, nâng cao cùng với những thiết bị hiện đại.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh không chỉ muốn có ở Đà Nẵng một bệnh viện ung thư cho có mà còn muốn đây phải là một bệnh viện ung thư hiện đại, nơi có đủ những trang bị mới nhất, tốt nhất. Bệnh viện này sẽ phải cố gắng giảm thiểu sự quá tải, những nhếch nhác thảm hại mà người bệnh phải gánh chịu thường thấy ở các bệnh viện. Tất nhiên ở bệnh viện này, điều quan trọng nhất là có một đội ngũ thầy thuốc xứng tầm về y đức và y thuật.

Ông chủ trương bệnh viện sẽ có một khu lưu trú miễn phí cả ăn và ở cho thân nhân bệnh nhân, không sang trọng như khách sạn 4 - 5 sao nhưng phải sạch sẽ, đàng hoàng.

Đây là nơi chăm sóc, chữa chạy cho những người bệnh ung thư tốt nhất, những bệnh nhân nghèo được quan tâm hơn cả.

Cùng với sự phát triển của thành phố, bệnh viện ung thư sẽ thực hiện việc tầm soát ung thư định kỳ cho mọi cán bộ, công nhân viên, những người có bảo hiểm y tế theo một chiến lược phòng và trị ung thư.

Bệnh viện sẽ trở thành một cơ sở nghiên cứu ung thư hướng tới có những đóng góp khoa học với đất nước và vươn ra khu vực.

Đó là những điều mà ông Thanh kỳ vọng.

Có người bảo, kỳ vọng của ông là không tưởng. Nhưng với ông bảo đảm cho những đồng bào nghèo bị bệnh hiểm nghèo được chữa chạy, điều trị miễn phí ở một bệnh viện tốt nhất, được chăm sóc đối xử tốt nhất là một việc đương nhiên phải làm, phải hướng tới với tốc độ nhanh nhất. Tại sao không? Cứ như thế từng bước thực hiện cả 3 điều ước.

Với phong cách, bản chất một con người hành động nói là làm, làm quyết liệt, rốt ráo, ông lao vào công việc này với biết bao tâm huyết, nghị lực. Nói như nhiều người: “Đúng là ông Thanh đã truyền lửa cho cán bộ Đà Nẵng”. Ngọn lửa ấy đã cháy lên nơi những người cộng tác với ông trong dự án Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Và hẳn là nó lại làm nóng hơn, sáng hơn ngọn lửa trong lòng ông.

Ai cũng ủng hộ dự án Bệnh viện Ung thư của ông, thế là ngọn lửa tỏa rộng.

Chuyện tình, chuyện nghĩa của Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng và “chất lửa” trong ông đã thuyết phục hấp dẫn mọi người. Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Viện Ung thư Trung ương Hà Nội, một chuyên gia đầu ngành (đã về hưu) tình nguyện dành phần lớn thời gian cho Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Một căn phòng liền kề với phòng Giám đốc bệnh viện đã dành sẵn cho ông.

Một hôm, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quốc Nguyên, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng chỉ cho tôi một người còn rất trẻ, chiếc ba lô gọn gàng trên vai, gương mặt thanh tú, đôi mắt to, phong thái nhanh nhẹn và nói: “Tôi cù rủ mãi đồng chí này mới chịu về Đà Nẵng. Nhưng anh Thanh bốc qua Bệnh viện Ung thư rồi”. Tôi không cảm thấy ở Tiến sĩ Nguyên một chút nào tiếc nuối mà dường như có vẻ tự hào được góp sức cho thành phố.

Là người đứng đầu một thành phố đang phát triển nhanh và năng động, ông Thanh có cái uy của ông. Trong việc vận động ủng hộ Bệnh viện Ung thư, chỉ cái uy thôi chưa đủ. Đây còn là chuyện ân tình và cả những sáng kiến để mọi người, mọi đơn vị có thể đóng góp tùy theo sức của mình.

FPT tài trợ một trung tâm công nghệ thông tin đặt cơ sở để xây dựng một bệnh viện điện tử mà từ việc theo dõi các hồ sơ bệnh án, các hoạt động chuyên môn đến việc quản lý nhân sự, tài sản, tài chính… đều thể hiện trên mạng máy tính. Với trung tâm này, mai đây chắc là sẽ có những cuộc hội chẩn, những ca phẫu thuật được nối mạng trực tuyến để Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng có thể tiếp nhận những ý kiến chỉ dẫn của các thầy thuốc tài ba trong nước và bốn phương.

Bên cạnh những chiếc giường bệnh với đầy đủ ga, nệm do các tổ chức quốc tế viện trợ mà mỗi chiếc đều có một rơ-mốt có thể điều khiển theo nhiều hướng, nhiều thế là những tấm đệm kymdan mà công ty này khẳng định thương hiệu bằng sự ủng hộ cho bệnh viện.

Trên diện tích 15ha, bên cạnh những tòa nhà còn mênh mông là sân vườn. Đã có thiết kế thảm cỏ, hồ nước, cây xanh. Trung Nam - một công ty kinh doanh bất động sản tầm cỡ đã nhận tài trợ phần việc này. Bởi cả ngàn con người mùa hè nóng nực chẳng lẽ cứ quanh quẩn trong các khối bê-tông hưởng hơi mát của máy lạnh 24/24 giờ. Họ rất cần những bóng cây xanh.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao tặng những chiếc xe cấp cứu chuyên dùng.

Cháu Thiên Phúc (thành phố Hồ Chí Minh) dành dụm tiền từ heo đất đã gửi tặng bếp ăn từ thiện của bệnh viện 1 tấn gạo.

Nghe đâu nhiều chủ lò mổ ở Trung tâm giết mổ Đà Sơn đã chuẩn bị để khi bệnh viện khai trương họ có thể cúng dường ít nhiều tim cật thịt xương góp phần cho những bữa ăn từ thiện.

Một hôm, tôi có nêu thắc mắc với ông Thanh: “Ta có cách gì liên kết với các địa phương trong vùng có bệnh nhân điều trị tại đây để họ chia sẻ các khoản kinh phí không nhỏ này”. Ông Thanh - con người rất “cứng” trong siết chặt nhập cư vào nội thành, lại cười “Họ có chia sẻ hay không là tự nguyện, còn bệnh viện đối xử với mọi bệnh nhân không có sự phân biệt dựa theo hộ khẩu”.

Có ai đó nói sẽ có người lợi dụng cửa miễn phí quá rộng, họ có khả năng chi trả nhưng họ lại cứ hưởng cái lộc miễn phí. Lại có người bàn không lo, số đó chắc là ít, rất ít. Có thể với nhiều người muốn nếm thử mùi vị cơm miễn phí thì chúng ta tin rằng, sau đó và sau đó nữa họ sẽ kín đáo góp phần.

Nếu sau này được điều ra Trung ương giữ nhiệm vụ mới thì tôi cũng kiêm chức Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng. Ra Trung ương có khi mình sẽ có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho người nghèo của quê hương

(Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng, ngày 8-11-2012)

Chưa ai biết những biện pháp giảm tải để những bệnh nhân nghèo bớt nhọc nhằn, để cảnh quan bệnh viện không còn nhếch nhác, thảm hại sẽ diễn tiến như thế nào. Bệnh viện có thể cân đối được các nguồn để duy trì mãi những dịch vụ miễn phí không. Nhưng khi làm việc với những người phụ trách bệnh viện và Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh, tôi thấy tất cả đều toát lên một tinh thần yêu thương con người, một thái độ tôn trọng con người. Và họ nói đó là ý tưởng của ông Thanh.

Có bữa, tôi chia sẻ với ông Thanh “Hôm Quốc hội thảo luận ở Hội trường để đi đến quyết định bổ sung vốn đầu tư cho các công trình (có truyền hình trực tiếp), khi được biết trong các công trình ấy có Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng tôi lo lắm. Ngân sách Trung ương đang hồi khó khăn. Cắt giảm đầu tư công đang được tiến hành mạnh mẽ. Trên cả nước có biết mấy công trình của các tỉnh, thành phố thuộc hàng quan trọng cho quốc kế dân sinh, để dở dang sẽ sinh ra những hậu họa khôn lường. Các địa phương sẽ có những tiếng kêu thống thiết. Nếu Quốc hội bác bỏ từ chối cấp kinh phí để hoàn thành Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, không có hơn 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương sẽ là thiên nan vạn nan”.

Ông kể cho tôi nghe kịch bản mà ông đã dự tính. Ông chuẩn bị một phát biểu ngắn gọn. Ông sẽ cố nói thật bình tĩnh và tha thiết về những người dân miền Trung, những người đã hy sinh dâng hiến tất cả vì độc lập, tự do của đất nước, vốn đã chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, nay lại chịu biết bao khổ cực vì bệnh hiểm nghèo. Miền Trung không có cơ sở chữa bệnh ung thư có nghĩa là người dân ở đây phải đi xa và chắc chắn là nhiều tổn phí công khó vượt xa sức chịu đựng của họ. Họ lâm vào cảnh tuyệt vọng dù họ là những người thuộc diện ưu tiên hơn hết.

Là những đại biểu của dân ở một cơ quan quyền lực cao nhất, chúng ta đã để cho Vinashin, Vinaline tiêu phá, nhũng lạm hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân để rồi bây giờ khi cần có quyết định đầu tư một cơ sở chữa bệnh hiểm nghèo cho những người nghèo hơn cả ở một vùng nghèo nhất nước chúng ta lại không quyết. Tôi thật sự thấy mình bất lực trước quyết định này. Tôi xin phép được thôi nhiệm vụ đại biểu từ đây. Nói rồi ông xách cặp rời ngay khỏi Hội trường Bộ Quốc phòng.

Nhìn gương mặt, ánh mắt của ông lúc ấy, tôi biết rằng ông đã nghĩ sâu lắm, chín lắm về kịch bản, và ông sẽ hành động đúng như kịch bản. Thật may và cũng thật mừng, kịch bản đó đã không diễn ra bởi Quốc hội đã chấp thuận đề nghị hợp lý, hợp tình của Đà Nẵng và ông Thanh đã không phải làm cái việc động trời với những hiệu ứng chưa biết sẽ tới đâu.

Mấy hôm nay Đà Nẵng xôn xao. Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Vận động tài trợ xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, đã nhận quyết định về công tác ở Trung ương.

Với cả thành phố này, với con người có 20 năm gắn bó và để lại nhiều dấu ấn hẳn là sự kiện này gây cảm giác thiếu vắng, hụt hẫng. Với Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng - nơi nhiều năm qua ông rất gần gũi, có những chỉ đạo thường xuyên, sát sao và nhiều quyết đoán, điều đó càng rõ ràng hơn.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh trấn an: “Ông Thanh vẫn đương chức Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh”. Tôi thì không cho hẳn là như thế.

Tôi nghĩ khó có một bệnh viện nào được chuẩn bị đầy đủ nhất, tốt nhất như bệnh viện này và cũng không có bệnh viện nào từ khi chưa hoạt động lại được kỳ vọng như bệnh viện này.

Đội ngũ thầy thuốc và nhân viên bệnh viện, các bạn được làm việc và cống hiến ở một môi trường có lẽ nằm mơ cũng không thấy. Và kỳ vọng của ông Thanh, của thành phố, của những bệnh nhân nghèo đang đặt trên vai các bạn một sứ mệnh thiêng liêng (tôi không muốn nói là sứ mệnh nặng nề).

Chính lao động nghiêm túc và sáng tạo của các bạn sẽ làm cho kỳ vọng tha thiết đó thành hiện thực.

Dù sự chuẩn bị chưa phải là mười phân vẹn mười nhưng lúc này tất cả trông cậy ở y thuật, y đức của các bạn. Chính y đức trong sáng, y thuật cao cường của các bạn sẽ làm nên thương hiệu cho Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.

Thương hiệu của một bệnh viện phải được bồi đắp, rèn luyện qua thời gian có thể là hàng chục năm. Chúng ta không nôn nóng nhưng phải bắt tay vào việc ngay và phải giành được thành tích tiến bộ trong từng ngày.

Điều mà ông Thanh và cả thành phố này kỳ vọng ở Bệnh viện Ung thư cũng là điều ông gửi gắm các bạn. Đó chính là ngọn lửa mà ông chuyển đến các bạn trong mùa xuân này.
 

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.